Giá quặng sắt nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp
Giá đồng và quặng sắt tăng nhờ lo ngại nguồn cung gián đoạn Giá quặng sắt giảm 3 phiên liên tiếp do nhu cầu yếu Giá quặng sắt phục hồi sau chuỗi giảm liên tiếp |
Khép lại ngày giao dịch đầu tuần 8/1, sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, mặc dù đều kết phiên trong sắc đỏ nhưng cả giá bạc và bạch kim đều ghi nhận mức biến động thấp, do thị trường tạm thời vắng bóng những tin tức cơ bản mới. Cụ thể, giá bạch kim để mất 1,28%, dừng chân tại 959,4 USD/ounce. Giá bạc giảm nhẹ 0,02% về 23,31 USD/ounce.
Kể từ tuần trước, giá bạc và giá bạch kim liên tục phải chịu sức ép bởi giới đầu tư kém lạc quan hơn về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã đẩy lùi kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất. Trong đó, dữ liệu đáng chú ý là báo cáo bảng lương cho thấy Mỹ đã tạo thêm 216.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 12/2023, cao hơn 46.000 so với dự báo và cao hơn mức 173.000 bị điều chỉnh giảm trong tháng 11/2023.
Tuy vậy, giá bạc và giá bạch kim đều ghi nhận mức giảm khá hạn chế trong phiên hôm qua, do số liệu kinh tế Mỹ đang trái chiều. Mặc dù báo cáo bảng lương cho thấy số việc làm tăng trong tháng 12, báo cáo từ Viện quản lý cung ứng (ISM) lại cho thấy chỉ số việc làm suy yếu. Bảng lương của ADP cũng cho thấy số việc làm giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát trong tuần này, nhằm có manh mối rõ hơn về hướng đi của FED.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 0,11% lên 3,81 USD/pound, chấm dứt chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp. Sau đà giảm mạnh trong tuần trước, giá đồng đã hồi phục trở lại một phần do lực mua kĩ thuật.
Hơn nữa, giá đồng cũng được hưởng lợi khi nhà đầu tư kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các chính sách kinh tế mới để vực dậy đà tăng trưởng yếu vào cuối năm ngoái.
Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Chốt phiên, giá để mất 0,71% về 137,6 USD/tấn, mức thấp nhất trong một tuần.
Giá quặng sắt gặp sức ép trong bối cảnh nhu cầu và biên lợi nhuận thép giảm tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích của công ty tư vấn CRU Group cho biết nhu cầu chậm chạp và chi phí sản xuất cao hơn đã làm giảm biên lợi nhuận của thép.
Biên lợi nhuận bị thu hẹp có thể khiến các nhà máy hạn chế sản xuất thép và làm giảm nhu cầu quặng sắt, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất thép.