Giá gạo tăng: Ai vui? Ai buồn?
Giá gạo Việt lập đỉnh lịch sử, lợi nhuận 'ông lớn' vẫn lao dốc Giá gạo Việt xuất khẩu đắt nhất thế giới, vừa mừng vừa lo Giá lúa trong nước nhích lên, giá gạo xuất khẩu giữ nguyên không đổi |
Quan điểm quốc gia nông nghiệp là nghèo và lạc hậu là quan điểm sai lầm. Chính các cường quốc cũng luôn đảm bảo an ninh lương thực cho bản thân và xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm nông sản, thực phẩm của Mỹ bán khắp thế giới. Lúa mì, ngô, ngũ cốc của Nga cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Ngay cả Trung Quốc cũng vươn lên vị trí dẫn đầu về xuất khẩu lúa mì. Xuất khẩu gạo thì Thái Lan, Ấn Độ rồi đến Việt Nam… đều là những quốc gia không hề ở cảnh “đói ăn, thiếu mặc”.
Việt Nam từ khi đổi mới với khoán 10 áp dụng trong nông nghiệp giúp nông dân như được cởi trói, tự do trên mảnh đất của mình, thay vì chấm công theo kẻng của hợp tác xã.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng cách biệt so với gạo Thái Lan khi cao hơn 42 USD/tấn, loại 5% tấm và cao hơn 75 USD/tấn đối với loại gạo 25% tấm. |
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022. So với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.
Giá lúa trong dân đang cao kỷ lục đẩy giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục lội ngược dòng thế giới. Nguồn cung đáp ứng thấp mà giá lại leo thang khiến nhiều doanh nghiệp Việt không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới.
Thế mới nói, dù Việt Nam đang đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng về sự ổn định trong tương lai thì chưa hề chắc chắn. Khu vực miền Bắc, miền Trung rất nhiều cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” phải san lấp làm các khu đô thị, khu công nghiệp ưu tiên cho phát triển kinh tế.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) màu mỡ cũng bấp bênh vì biến đổi khí hậu, nước mặn thâm nhập và lớn hơn cả là nguy cơ thiếu nước do hệ thống các đập thuỷ điện trên dòng sông Mê Kông ở phía thượng nguồn ở các quốc gia khác sẽ kiểm soát và biến đổi dòng chảy, lượng phù sa bồi đắp hàng năm sẽ ít đi.
Phía Campuchia còn kế hoạch xây dựng kênh đào Phù Nam nối thủ đô nước bạn PhnomPenh với cảng biển Kep, ngoài việc tạo tuyến giao thông thuỷ nội địa còn có nhiệm vụ dẫn, chia nước của sông Mê Kông phục vụ cho phát triển nông nghiệp vùng kênh đào đi qua, lượng nước về ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu hụt, không còn mùa nước nổi như trước.
Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập dự thảo trình Thủ tướng phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng đằng sông Cửu Long đến năm 2023” là đề án hết sức quan trọng, đúng đắn, cần được triển khai. Khi đề án được thực hiện sẽ đảm bảo nguồn cung mặt hàng chiến lược là lúa gạo - loại hàng hoá liên quan đến an ninh lương thực, an ninh quốc gia, đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa người nông dân trồng lúa với doanh nghiệp thu mua (thương lái), doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng.
Chính vì việc điều tiết việc xuất khẩu gạo chưa được nhịp nhàng, tạo sự bền vững, nên khi giá lúa gạo tăng cao thì mới chỉ có mỗi người nông dân vui còn người tiêu dùng lại buồn vì kinh tế đang suy thoái, dấu hiệu lạm phát hiện rõ qua việc các sản phẩm tiêu dùng tăng giá, giá lương thực chủ yếu là gạo cũng đang cao với biên độ dao động cao nhất từ thời khủng hoảng năm 2008 đến giờ. Cuộc sống của người dân lao động có mức thu nhập trung bình và thấp bị ảnh hưởng với nỗi lo mang tên giá gạo, điều mà trước nay không mấy được quan tâm khi giá gạo dưới 20 ngàn đồng/1 kg.
Vấn đề giá gạo còn liên quan đến chuỗi cung ứng logistics của Việt Nam về vận chuyển lúa gạo quá lỗi thời với hàng ngàn nhà máy xay xát, xấy lúa loại nhỏ nằm cạnh các con kênh, rạch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - nơi trung bình hàng năm làm ra 25 triệu tấn lúa gạo. Thương lái thu mua lúa của nông dân chở đến nơi xay xát, sau đó lại gom lại đem bán cho doanh nghiệp đầu mối đều bằng ghe, thuyền. Vào mùa lúa chín rộ sẽ thiếu phương tiện chuyên chở cục bộ mà lúa cắt để đợi trên đồng sẽ bị rút cân hoặc đúng thời điểm thu hoạch mà phải đợi ghe thuyền thì qua thời điểm có sản lượng cao nhất, người nông dân trồng lúa sẽ bị thiệt thòi, giá lúa gạo lên cao càng bị thiệt thòi.
Cũng do logistics khó khăn, phụ thuộc phương tiện chuyên chở giá lúa gạo bị đẩy, đổi, nâng hạ vì qua nhiều cầu từ doanh nghiệp đến thương lái, cò thu mua các cấp độ, nên có thể thao túng giá cả thị trường lúa gạo. Thói quen mua bán lúa gạo bằng tiền mặt, lấy tiền đặt cọc trước của nông dân miền Tây Nam Bộ chính là cái bẫy mà thương lái cài sẵn kiếm lợi trên lưng của nông dân.
Để thu lợi nhanh, nông dân tự chọn giống canh tác có sản lượng cao theo nhu cầu ngắn hạn của thị trường mà bỏ qua chất lượng gạo, nếu làm đúng theo khuyến nông thì giống ST 25, RVT phù hợp với vùng Bạc Liêu, Cà Mau; còn giống OM 18 hay Đài Thơm thì hợp với An Giang, Hậu Giang.
Chỉ có quy hoạch đồng bộ nhà máy xuất khẩu gạo bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống, phân bón, cơ quan khuyến nông hướng dẫn chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu bền vững mới người nông dân mới có thể làm giàu từ cây lúa. Doanh nghiệp thì đảm bảo được chất lượng gạo tiêu thụ, xuất khẩu, gạo Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, có uy tín thương hiệu kinh doanh lâu dài.
Việc cần làm ngay là cải tiến hệ thống vận chuyển chuyên chở logistics như Trung Quốc đang làm cho các vùng chuyên canh thì lúa được mùa, được giá sẽ là điều cả nhà cùng vui. Còn nữa, giá gạo nội địa mà cao hơn giá gạo xuất khẩu thì các nhà quản lý phải coi đó là điều không chấp nhận được để có chính sách điều chỉnh. Đó chính là việc làm ích nước, lợi dân cần kíp bây giờ.