Giá gạo cao kỷ lục: Chọn lợi ích ngắn hạn hay thị trường dài lâu?
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ Bắt sóng giá gạo, một cổ phiếu ngành lương thực “tím ngắt” 5 phiên liên tiếp |
Theo đánh giá, đây vừa là cơ hội vàng, cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Xoay quanh câu chuyện này, PV Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) một trong những doanh nghiệp lớn và có uy tín trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Chi nhánh Tổng công ty Hapro tại Đồng Tháp |
- 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của Hapro, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Anh Tuấn: Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm tương đối khó khăn do dư âm cước vận chuyển từ những năm trước vẫn còn, chưa thể phục hồi như trước thời điểm COVID-19. Hầu như việc này tác động rất lớn tới chuỗi vận tải. Chuyện rất thật là vừa rồi, Hapro thuê một container hàng đi Hồng Kông, vừa không phải trả cước vận chuyển mà đối tác có trả lại cho mình 19 USD/01 container hàng hóa. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, chuỗi vận chuyển, cung ứng toàn cầu đã có sự biến chuyển, tác động trực tiếp tới vấn đề xuất khẩu.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội |
Thêm vào đó, dư âm lãi suất từ cuối năm 2022 do biến động tiền tệ cũng tác động lớn tới tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Gần đây, dù lãi suất có hạ theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhưng mọi thứ đều có độ trễ nên các doanh nghiệp cũng tương đối gặp khó trong việc hấp thụ vốn. Kỳ thực, lãi suất các ngân hàng ban ra có hạ nhưng vẫn ở mức cao, cộng với chi phí vốn tương đối lớn dẫn đến hiệu quả xuất khẩu không cao. Điều này đã tác động tới kết quả xuất khẩu nói chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Nhìn chung, tình hình xuất khẩu của Hapro vẫn nằm trong bối cảnh chung đó. Nên giá trị xuất khẩu có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đối với mặt hàng gạo lại có những tín hiệu xuất khẩu tốt hơn bởi nhu cầu thị trường thế giới tăng cao. Thị trường xuất khẩu gạo đã ấm hơn năm ngoái nên đầu ra của Hapro tốt hơn 6 tháng cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tại một số thị trường, sản lượng gạo xuất khẩu tăng đến 50%. Một số thị trường tăng trưởng thấp hơn cũng đạt từ 10 – 15%.
- Thời gian qua, thị trường lúa gạo thế giới có nhiều biến động. Xin ông cho biết, điều này đã tác động như thế nào tới hoạt động xuất khẩu của Hapro?
Ông Lê Anh Tuấn: Theo số liệu báo cáo thống kê 7 tháng của liên Bộ, chúng ta thấy rõ một số điều như sau. Một là, sản lượng xuất khẩu 7 tháng đạt 4,83 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu là 2,58 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng này tăng gần 19%, trị giá tăng gần 30%. Điều đó cho thấy, giá của gạo tương đối cao so với các năm. Nguyên nhân lớn nhất của việc này, theo tôi đó là sự thay đổi chính sách của Ấn Độ. Bởi từ tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tấm, áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo. Điều này ngay lập tức tác động tới Việt Nam cũng như các quốc gia xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam và các nước nghiễm nhiên được hưởng lợi từ chính sách này của Ấn Độ.
Và gần đây nhất, Ấn Độ tiếp tục ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường đã tác động rất lớn và ngay lập tức tới thị trường thế giới. Từ khi lệnh cấm này có hiệu lực, giá gạo trên thế giới gần như tăng dựng đứng. Việc này vừa tạo ra cơ hội, nhưng cũng gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với những doanh nghiệp có sẵn nguồn hàng, chưa ký hợp đồng xuất khẩu thì đây là cơ hội vàng. Những HTX, người nông dân có sẵn nguồn hàng chưa tiêu thụ, đang còn lúa trên ruộng thì là cơ hội. Ở chiều ngược lại, với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng đầu ra với số lượng lớn sẽ phải chịu sức ép mua hàng rất lớn với mức giá cao.
Đối với Hapro, chúng tôi cũng không nằm ngoài cả cơ hội và khó khăn kể trên. Trong giai đoạn biến động vừa qua, chủ trương của chúng tôi là, phải có sẵn nguồn hàng mới bán nên cũng tránh được nhiều tổn thất kinh tế.
- Đang có quan điểm cho rằng giá lúa gạo tăng cao có thể mang lại cơ hội vàng cho người dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Ông thì sao?
Ông Lê Anh Tuấn: Chúng ta vẫn thường nói, trong nguy có cơ và trong cơ có nguy. Trong ánh sáng có mầm của bóng tối, trong bóng tối lại sẽ có mầm của ánh sáng. Chính vì vậy, nguy hay cơ đôi khi lại do quyết định, quyết sách của mỗi doanh nghiệp trong từng thời điểm khác nhau. Nếu như chúng ta quyết định sai, ở từng thời điểm thì rất dễ cơ hội biến thành nguy cơ thiệt hại kinh tế.
Theo tôi, hiện nay, các doanh nghiệp cần tỉnh táo, đưa ra quyết sách đúng đắn ở từng giai đoạn, thời điểm. Một là, làm sao giữ ổn định về mặt chất lượng. Hai là giữ nguồn cung đảm bảo cho khách hàng, giữ uy tín với thị trường thế giới. Và cái tối ưu quan trọng nhất là giữ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới, Ấn Độ là một nước lớn, giữ vai trò vô cùng quan trọng. Sản lượng xuất khẩu 5 quốc gia đứng sau Ấn Độ cộng lại không bằng nước này. Chính vì vậy, những biến động thị trường từ Ấn Độ chắc chắn tạo ra cơ hội kinh doanh của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng những cơ hội đó nằm ở chỗ nào?
Một là, giá. Nhìn dài hạn, về giá chúng ta có thể tận dụng được. Chắc chắn sẽ có những người trong chuỗi cung ứng được hưởng lợi. Và người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo cũng được hưởng lợi đầu tiên.
Hai là, cơ hội về mở rộng thị trường. Lâu nay một số nước thường nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, nhưng có thể tới đây, họ sẽ tìm tới mặt hàng lúa gạo của Việt Nam.
Ba là, đây là cơ hội để chúng ta xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Nếu như chúng ta tạo ra hàng hóa chất lượng, gạo Việt Nam sẽ tạo ra tiếng vang trên thị trường xuất khẩu thế giới. Ngược lại, nếu như chúng ta chỉ tranh thủ cơ hội đẩy hàng hóa đi, không đảm bảo chất lượng, gạo Việt Nam sẽ mất uy tín về lâu dài sau này.
- Là một người trực tiếp điều hành kinh doanh sản xuất, ông có dự báo, nhận định gì về thị trường xuất khẩu lúa gạo sắp tới không? Doanh nghiệp cần làm gì để giữ cân bằng cán cân lợi nhuận và lợi ích dài lâu, bền vững, thưa ông?
Ông Lê Anh Tuấn: Theo tôi, để có những nhận định chính xác về diễn biến lúa gạo thời gian tới là rất khó. Bởi chỉ cần một chính sách mới nào đó được ban hành, sẽ tác động ngay lập tức tới giá lúa gạo. Giả thiết, chỉ cần đồng Bạt của Thái Lan tăng giá, đồng loạt sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu của nước nay tăng theo, cao hơn gạo Việt Nam. Hoặc như Ấn Độ thay đổi chính sách cấm xuất khẩu gạo, thị trường cũng sẽ bị tác động rất lớn.
Xét về cung cầu, Việt Nam chúng ta không hề thiếu gạo. Mới đây, Cục dữ trữ Quốc gia cũng thông báo rằng, sau khi nhận được các cam kết của doanh nghiệp, mục tiêu dự trữ 250 nghìn tấn gạo đã cơ bản đủ. Theo như đánh giá của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, không chỉ dự trữ lúa gạo, Việt Nam có thể dư sản lượng mấy trăm nghìn tấn gạo để xuất khẩu thêm. Và rất có thể, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt đỉnh hiếm có.
Mở rộng ra, tình hình chiến sự Nga - Ukraine cũng tác động rất lớn tới nguồn cung ngũ cốc trên thế giới. Và khi mặt hàng này bị đẩy giá lên cao, người ta sẽ tìm mặt hàng khác để thay thế. Mọi thứ bây giờ cũng chỉ ở mức dự đoán. Nhưng theo tôi, ngắn hạn tới đây, lệnh cấm xuất khẩu vẫn được các nước giữ, thì giá gạo sẽ vẫn còn tăng nữa.
Còn về cán cân lợi nhuận và lợi ích lâu dài, tôi cho rằng, nếu như chúng ta ăn xổi ở thì trong lúc này thì sẽ có cơ hội. Nhưng, sau đó khách hàng sẽ không còn quay lại tìm chúng ta nữa. Vậy thì, doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo lợi nhuận mà vẫn giữ được khác hàng. Đấy mới là mục tiêu quan trọng, mục tiêu lâu dài để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển.
Để làm được điều đó, trước hết, doanh nghiệp phải gắn kết với người nông dân, đảm bảo chất lượng cho lúa gạo.
Thêm nữa, chúng ta phải làm tốt khâu bảo quản, dự trữ.
Sản phẩm gạo xuất khẩu của Hapro |
Ba là, để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần giữ nguyên tắc ký hợp đồng 80-20. Nghĩa là, chỉ khi chúng ta có lượng hàng ít nhất 80% trong kho thì mới ký hợp đồng xuất khẩu. Giả sử, khi không đủ nguồn hàng, doanh nghiệp cố nhập hàng không đủ chất lượng cho đối tác. Bên cạnh uy tín của doanh nghiệp, việc làm này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của cả thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới. Nếu như làm ăn chộp giật, cơ hội thì tổn thất sau này e là rất lớn.
- Theo ông, để tiếp sức cho các doanh nghiệp phát huy lợi thế xuất khẩu trong giai đoạn này, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành cần có những cơ chế, chính sách gì để phá vỡ rào cản và tạo động lực? Đặc biệt là về chính sách cho vay ưu đãi từ phía ngân hàng.
Ông Lê Anh Tuấn: Trên thực tế, vừa qua, trước những biến động thị trường, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo rất sát, rất trúng. Tuy nhiên, phía ngân hàng thương mại cũng có những quan điểm của họ. Ngân hàng không thể hỗ trợ những hợp đồng, những phương án mà họ nhìn thấy trước được tổn thất hoặc dự kiến tổn thất. Thậm chí, khi ta đã có hợp đồng xuất khẩu, nhưng giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu thì họ có thể không tài trợ vốn.
Tôi cũng xin nhắc lại, là ta đang có độ trễ trong chính sách. Giai đoạn trước, họ đã huy động vốn với lãi suất cao, thì bây giờ họ không thể cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hiện tại. Chính vì vậy, để một doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ là không hề dễ.
Mới đây, tại một hội nghị liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Cần Thơ, cũng rất nhiều ý kiến đưa ra đề nghị có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian ngắn hạn. Cũng có những ý kiến đề nghị cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Lại có những ý kiến nên coi đây là một cơ hội vàng để xuất khẩu gạo Việt Nam, tiếp cận các thị trường mới.
Tôi thì cho rằng, nếu như khâu dự trữ lương thực của chúng ta đã cơ bản đủ, và mục tiêu xuất khẩu cả năm là 7 triệu tấn thì đây chính là cơ hội. Chính vì vậy, theo tôi, ở cấp quản lý, nhà điều hành cần có quan điểm rõ ràng. Quan tâm tới thị trường nội địa 100 triệu dân hay hàng triệu nông dân vùng sản xuất lúa gạo. Nếu như cấm xuất khẩu gạo sẽ gây thiệt hại tương đối lớn với các doanh nghiệp. Đồng thời, làm sao để giải quyết được mấy triệu tấn lúa gạo dư thừa sản xuất trong nước năm 2023. Nếu như buộc phải cấm xuất khẩu, phải phân loại cấm gạo nào. Bên cạnh đó, việc cấm xuất khẩu cũng nên có thời hạn để doanh nghiệp kịp xử lý những hợp đồng dở dang, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu. Hạn chế việc dừng đột ngột xuất khẩu khiến doanh nghiệp, người dân không kịp trở tay.
Quan điểm cá nhân của tôi ở khía cạnh doanh nghiệp, Nhà nước nếu như không liên quan tới các cam kết quốc tế, chúng ta có thể nhìn theo cách của Ấn Độ là áp thuế đối với gạo. Như vậy, người nông dân vẫn bán được hàng, doanh nghiệp không mất đi thị trường. Đồng thời, CPI trong nước vẫn đảm bảo.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!