Giá dầu suy yếu khi các chủ hàng nối lại hoạt động trên Biển Đỏ
Tâm lý lo ngại căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ đã được xoa dịu khi một số chủ hàng bắt đầu nối lại hoạt động trong khu vực.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,93% xuống 74,11 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 79,54 USD/thùng, giảm 1,62% so với phiên trước.
Công ty vận tải Maersk của Đan Mạch đã lên kế hoạch cho hàng chục tàu container đi qua Kênh đào Suez và Biển Đỏ trong những tuần tới. Trong khi đó, hãng vận tải CMA CGM của Pháp cũng đang nối lại tuyến đường đi qua Biển Đỏ. Động thái này của các chủ hàng phản ánh niềm tin rằng lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu sẽ thành công trong việc trấn áp sự hỗn loạn trong khu vực do phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen gây ra.
Ngoài ra, nguồn cung dầu ổn định từ Nga, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia, cũng góp phần gây áp lực lên giá. Các nhà phân tích cho biết sản lượng dầu của Nga dự kiến sẽ ổn định hoặc thậm chí tăng trong năm tới do quốc gia này đã vượt qua phần lớn các lệnh trừng phạt của phương Tây. Cụ thể, khảo sát cho thấy Nga có thể sản xuất từ 515 triệu tấn đến 530-538 triệu tấn dầu vào năm 2024, trong khi xuất khẩu sẽ không thay đổi ở mức 250 triệu tấn.
Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, Bộ Năng lượng Kazakhstan cho biết Hiệp hội Đường ống Caspian (CPC) đã nối lại việc nạp dầu tại kho cảng Novorossiisk sau khi các hoạt động bị đình chỉ vì bão. Trước đó, việc đình chỉ đường ống xuất khẩu chính của Kazakhstan đã khiến một số nhà sản xuất, như Tengizchevroil, phải tạm thời giảm sản lượng.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 22/12 tăng mạnh 1,84 triệu thùng, trái ngược với kỳ vọng giảm 2,7 triệu thùng của giới phân tích. Nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới tiếp tục suy yếu có thể sẽ củng cố áp lực bán trên thị trường.