Đồng USD suy yếu hỗ trợ nhóm kim loại lấy lại sắc xanh
Bảng giá kim loại đỏ lửa bởi cả sức ép vĩ mô và cung – cầu Nhóm kim loại lấy lại đà tăng Giá kim loại đồng loạt đảo chiều giảm sau dữ liệu lạm phát Mỹ |
Đối với kim loại quý, đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp, tuy nhiên giá bạc ghi nhận mức tăng mạnh hơn hẳn so với giá bạch kim cho bạc vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các yếu tố vĩ mô. Cụ thể, giá bạc chốt phiên tại mức 22,95 USD/ounce sau khi tăng 2,52%, mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn một tháng qua. Giá bạch kim cũng tăng 0,88% lên 905,2 USD/ounce.
Tâm điểm thị trường phiên hôm qua hướng về báo cáo doanh số bán lẻ của Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tháng 12/2023, doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 1/2024, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài 9 tháng liên tiếp. Cụ thể, doanh số bán lẻ tháng 1/2024 của Mỹ giảm 0,8% so với tháng trước, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 0,2% của thị trường và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2023.
Việc doanh số bán lẻ của Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến đã kéo đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm 0,41%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tuần qua. Kim loại quý vốn được định giá bằng đồng bạc xanh. Do đó, nhờ sự suy yếu của đồng USD, nhóm kim loại quý đã đón nhận lực mua tích cực trong phiên hôm qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 1,57% lên 3,75 USD/pound, đứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp. Đây cũng là phiên tăng giá mạnh nhất của giá đồng trong vòng hơn 3 tuần. Đồng USD giảm giá là yếu tố chính hỗ trợ cho giá đồng tăng trong phiên hôm qua. Hơn nữa, kỳ vọng tiêu thụ đồng dần phục hồi trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc cũng giúp củng cố lực mua đồng. Thông thường, hoạt động xây dựng của Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn cao điểm từ đầu tháng 3.
Trong một diễn biến khác, giá niken LME quay đầu giảm 0,54% về 16.258 USD/tấn, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp.
Hôm thứ Năm (15/2), công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới BHP Group cho biết họ đã bị lỗ 2,5 tỷ USD đối với hoạt động kinh doanh niken ở Australia. Điều này đã làm gia tăng tâm lý bi quan trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh tiêu thụ niken yếu trong khi nguồn cung dư thừa. Trước đó, các nhà phân tích tại Macquarie cho biết xuất khẩu niken của Indonesia đã tăng 28% lên 1,8 triệu tấn vào năm 2023, chiếm 53% trong tổng sản lượng niken toàn cầu.