Doanh nghiệp tuần qua: Thaco bật mí 'siêu dự án' tổ hợp kinh tế tuần hoàn hơn 100.000 tỷ đồng
Thaco muốn xây tổ hợp kinh tế tuần hoàn 100.000 tỷ
Mới đây, Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) đã có văn bản báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tổ hợp kinh tế tuần hoàn Thaco. Tổ hợp này được quy hoạch để hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô-xít đến chế biến alumin, nhôm, hoàn thổ phục hồi môi trường, trồng cây nông nghiệp, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy phụ trợ, du lịch sinh thái...
Tổng mức đầu tư sơ bộ cho toàn bộ dự án là khoảng 103.024 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD), với 30% từ vốn chủ sở hữu (khoảng 31.000 tỷ đồng) và 70% đến từ nguồn vốn vay. Lộ trình xây dựng dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành và kinh doanh ổn định cho đến sau năm 2024.
Tổng mức đầu tư sơ bộ cho toàn bộ dự án tổ hợp kinh tế tuần hoàn Thaco là khoảng 103.024 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD), với 30% từ vốn chủ sở hữu (khoảng 31.000 tỷ đồng) và 70% đến từ nguồn vốn vay. |
Trong tổ hợp kinh tế tuần hoàn này, Nhà máy alumin Lâm Đồng 2 là dự án thuộc địa bàn các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô-xít và chế biến alumin có công suất khoảng 4 triệu tấn/năm.
Vào tháng 8/2022, Thaco đã đề xuất được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Theo đề xuất của Thaco khi đó, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy tuyển quặng bô xít (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm).
Tập đoàn cũng cho biết thêm, trong quá trình triển khai dự án, sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án ngành công nghiệp, dịch vụ thuộc lợi thế của Thaco như: nông nghiệp, năng lượng tái tạo và sinh thái phát triển kinh tế - xã hội khác… trình UBND tỉnh cho phép triển khai sau khi hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường.
FPT muốn đầu tư Tổ hợp Giáo dục - Khoa học công nghệ quy mô 20ha tại Hải Phòng
Chiều 4/1, UBND thành phố Hải Phòng và Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị hợp tác về triển khai các nội dung chuyển đổi số và đầu tư giáo dục trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch FPT nhận định, tương lai Hải Phòng sẽ tiến vào những lĩnh vực quan trọng của đất nước như chip, AI, bán dẫn… Và để làm chủ những công nghệ tiên tiến của thế giới này, ngoài việc cung cấp cơ sở vật chất, cần chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ cho Hải Phòng. Đây là những tiền đề rất cần thiết cho hôm nay và tương lai.
Ông Trương Gia Bình cho biết, FPT mong muốn được đầu tư xây dựng tại Hải Phòng 1 Tổ hợp Giáo dục – Khoa học công nghệ với quy mô từ 10 – 20 ha (gồm Tổ hợp giáo dục phổ thông liên cấp, Cao đẳng, Đại học và Sản xuất phần mềm), đồng thời mong được thành phố đề xuất giới thiệu các khu đất để xây dựng Trường Phổ thông liên cấp FPT với diện tích khoảng 1 ha/cấp.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, FPT khẳng định cam kết tập trung đầu tư cho Hải Phòng để phát triển vượt bậc, tại Hội nghị này Tập đoàn FPT quan tâm đến 5 nhóm lĩnh vực, gồm: Chính quyền số; Đề án 06 và Chuyển đổi số của Hải Phòng; Y tế số; Giáo dục số và Hạ tầng công nghệ thông tin.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cũng nêu rõ, là đối tác của nhiều Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, FPT sẵn sàng song hành với Hải Phòng về các ý tưởng phát triển trong tương lai, là cánh tay nối dài của Hải Phòng ở thị trường nước ngoài. “FPT mong muốn xây dựng tổ hợp về giáo dục, khoa học công nghệ, phần mềm… ở Hải Phòng như đã làm ở một số tỉnh thành trọng điểm.
Ngoài ra, với thế mạnh công nghệ, chuyển đổi số, FPT đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số cho Hải Phòng. Hơn thế, FPT là đối tác của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới và chúng tôi có thể giúp Hải Phòng thu hút đầu tư với các tập đoàn lớn này”, anh Bình nhấn mạnh...
Thủy điện Hủa Na chuẩn bị lên sàn HOSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HNA của Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na. Theo đó, tại ngày 12/1/2024, hơn 235,2 triệu cổ phiếu HNA sẽ chính thức giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.350 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu.
Như vậy, ước tính theo giá tham chiếu ngày chào sàn, Thủy điện Hủa Na được định giá gần 4.317 tỷ đồng. Trước đó, ngày 1/12/2023, HOSE đã ra quyết định chấp thuận niêm yết hơn 235,2 triệu cổ phiếu HNA trên sàn HOSE.
Theo tìm hiểu, Thủy điện Hủa Na được thành lập vào tháng 5/2007 và được thành lập bởi các cổ đông sáng lập: Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cổ đông khác như: Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và và Bất động sản Việt, với mức vốn điều lệ ban đầu là 1.200 tỷ đồng. Trải qua 4 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của công ty đã tăng lên mức 2.352, tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Công ty hiện nay là ông Hoàng Xuân Thành (SN 1968). Ông Thành từng là cán bộ thanh tra tài chính tại Sở Tài chính Nghệ Tĩnh và Sở Tài chính Hà Tĩnh, Phó Chánh Thanh tra tại Sở Tài chính Nghệ An.
Từ khi Thủy điện Hủa Na thành lập, ông Thành đã gắn bó với công ty với chức vụ Kế toán trưởng, sau đó, từ tháng 1/2015, ông giữ chức vụ Ủy viên HĐQT kiêm Phó giám đốc công ty và từ tháng 4/2018, ông làm Chủ tịch HĐQT Thủy điện Hủa Na.
Hiện ông Thành đang sở hữu 240.000 cổ phiếu, tương ứng với 0,1% số cổ phiếu đang lưu hành của Thủy điện Hủa Na. HNA lần đầu giao dịch trên sàn Upcom vào ngày 5/10/2007. Kết thúc phiên giao dịch 27/12/2023, HNA đang có giá 18.500 đồng/cp.
Việt Phát Group bắt tay Aeon Mall xây siêu thị lớn nhất miền Bắc
Vào ngày đầu năm 2024, UBND TP. Hạ Long, Tập đoàn Việt Phát (Việt Phát Group) và Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã tổ chức lễ khởi động dự án trung tâm thương mại lớn nhất miền Bắc tại phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Việt Phát Group - nhà phát triển dự án trung tâm thương mại thành phố Hạ Long cho biết, dự án có tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2026.
Được biết, dự án trung tâm thương mại thành phố Hạ Long có diện tích 130.424 m2 được UBND thành phố này phê duyệt tại Quyết định số 218 ngày 8/8/2023. Trong đó, đất xây dựng trung tâm thương mại là 91.210 m2, đất đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung là 39.215 m2. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành thủ tục hành chính liên quan vào quý 1/2024; thi công xây dựng công trình từ quý 1/2024 đến Quý 4/2025 và sẽ đưa vào hoạt động từ quý 4/2025 đến quý 1/2026.
Đối tác hợp tác thực hiện dự án này với Việt Phát Group là Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam thuộc tập đoàn Aeon Mall Nhật Bản, là tập đoàn chuyên phát triển về trung tâm thương mại hàng đầu thế giới.
Trong những năm qua, Việt Phát Group cùng Aeon Mall đã và đang hợp tác phát triển nhiều trung tâm thương mại ở các tỉnh thành và đã thành công đưa trung tâm thương mại Aeon Mall Lê Chân Hải Phòng đi vào hoạt động năm 2020.