Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023)
Điểm tựa phát triển văn hóa Việt Nam
Bắt đầu Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam: Văn hóa chính là đạo đức |
Nhận định Đề cương văn hóa Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, đây là “điểm tựa” để tiếp tục đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo, từ đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam xứng đáng với lịch sử hào hùng và tầm vóc vĩ đại của dân tộc.
Có lúc có nơi, văn hóa chưa được đặt đúng vị trí
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” ngày 27.2, GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong suốt tám thập niên qua, dưới ánh sáng của bản Đề cương, quá trình phát triển văn hóa và con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đổi mới thể chế, chính sách, phương thức quản lý đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa các chủ thể, từ đó giúp phát huy năng lực và phẩm chất của con người Việt Nam, nâng cao hiệu quả các hoạt động, phát huy giá trị văn hóa.
Cần vận dụng sáng tạo Đề cương về văn hóa Việt Nam phù hợp với tình hình mới. Ảnh: baotintuc.vn |
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận vẫn có lúc, có nơi, văn hóa chưa được đặt thật đúng vị trí, chưa thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí, từng có quan niệm lệch lạc cho rằng bảo tồn, phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn song mang lại hiệu quả kinh tế không cao…
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.
Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ; công tác cán bộ của lĩnh vực văn hóa (quản lý văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ) chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế chưa được quan tâm đúng mức… Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Vận dụng sáng tạo để phát triển văn hóa
Khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Đề cương văn hóa Việt Nam cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc phát triển văn hóa, tuy nhiên, GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: tình hình đất nước và thế giới ngày càng biến đổi, đòi hỏi chúng ta phải biết phát triển và vận dụng Đề cương một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình mới.
Theo đó, trong bối cảnh mới, bên cạnh việc đề cao tính dân tộc hóa với ý nghĩa “chống mọi sự nô dịch, đồng hóa của văn hóa bên ngoài”, còn phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hội nhập quốc tế sâu rộng dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc, giúp chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, tăng cường quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Bên cạnh đó, nguyên tắc đại chúng hóa ngày nay không đơn giản chỉ là phát triển văn hóa đại chúng mà ở đây khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo và vận động phát triển văn hóa thuộc về đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đại chúng hóa cũng là nhằm xóa bỏ mọi bất bình đẳng về trình độ, điều kiện hưởng thụ, sự chênh lệch văn hóa giữa các tầng lớp, bộ phận dân cư, dân tộc, vùng, miền trong cả nước. Trong nền văn hóa dành cho toàn dân, bên cạnh việc phát triển văn hóa đại chúng, cần chú trọng vun đắp, bồi dưỡng, phát triển văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học, văn hóa đỉnh cao…
Ngoài đẩy mạnh khoa học hóa nhằm chống lại những gì trái khoa học, phản tiến bộ, cổ hủ, lạc hậu, chúng ta cũng cần “gạn đục khơi trong”, phát huy những thuần phong mỹ tục, tìm về “cổ học tinh hoa”, khai thác những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống phục vụ đời sống đương đại. Nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới, thành tựu mới của khoa học - công nghệ thế giới, đặc biệt, cần tạo dựng môi trường nghiên cứu thực sự tự do, dân chủ, cởi mở, để công tác nghiên cứu khoa học trở thành cơ sở cho hoạt động chính trị…
PGS.TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, ngay từ đầu, tính chất xây và chống đã được đặt ra rõ ràng trong bản Đề cương. Xây và chống là quan điểm của Đảng xuyên suốt qua nhiều thời kỳ và luôn gắn chặt với nhau, giữa xây và chống, giữa đấu tranh và bảo vệ. Trong đó xây là việc làm cơ bản, chống là việc quyết liệt và hiệu quả. Xây ở đây có thể mở rộng là chuẩn bị phát huy những gì tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, để xây dựng con người Việt Nam một cách toàn diện.
Để làm được như vậy, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, có 3 vấn đề cần quan tâm: tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của xã hội trong xây dựng nền văn hóa mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục kiên quyết đấu tranh với biểu hiện lệch lạc; tạo điều kiện về hành lang pháp lý, thể chế, và nhiều điều kiện để khơi thông nguồn lực con người, vật chất, của cả nhà nước và xã hội, để hỗ trợ phát triển sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Thời gian tới, ngành văn hóa tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, những vấn đề về hệ thống lý luận, quan điểm về quản lý văn hóa trong thời kỳ mới, tiếp tục gắn bó chặt chẽ với địa phương, phối hợp với bộ, ban, ngành để thực hiện tốt các Nghị quyết, quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021…
Đại diện cho doanh nghiệp và những người trẻ đam mê văn hóa dân tộc, ông Nguyễn Việt Nam, Doanh nghiệp sáng tạo TiredCity cho rằng: trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay cần lời giải xuyên suốt các nhóm liên quan, bao gồm các cá nhân thực hành sáng tạo, đơn vị quản lý sáng tạo văn hóa, các công ty hoạt động thương mại, người tiêu dùng, các đơn vị quản lý địa phương thì mới có đủ “bàn đạp” tương đối bền vững để gìn giữ, phát triển văn hóa. Trong đó, chuyển tải văn hóa là cách truyền thông bền vững, và để cộng đồng tiếp cận thì kết hợp nguồn tài nguyên vô hạn về văn hóa Việt Nam với sức sáng tạo của người trẻ, tạo sản phẩm mang chiều sâu nhưng vừa có sức tiếp cận công chúng rộng rãi…