Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ, nâng cao hiệu quả thu hồi nợ thuế
Trong 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nợ.
Hiện đại hóa công tác quản lý nợ
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc Tổng cục Thuế đang tích cực nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại để hỗ trợ công tác quản lý nợ. Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng trợ lý ảo, nhằm tự động hóa các quy trình xử lý nợ, giảm thiểu sự can thiệp thủ công và nâng cao hiệu quả làm việc. Đến nay, dự án đã hoàn thành phân tích nghiệp vụ và đang trong giai đoạn kiểm thử 3/7 chức năng ứng dụng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đang triển khai chức năng cưỡng chế tự động, hiện đang được thí điểm tại Hà Nội và Hải Dương. Việc tự động hóa quá trình cưỡng chế sẽ giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch trong quá trình thực hiện.
Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thu hồi nợ. Ảnh: Tổng cục Thuế |
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ, Tổng cục Thuế đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Cụ thể, Tổng cục Thuế đang triển khai chức năng truyền nhận thông tin tự động với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Hiện tại, hai cơ quan đã thống nhất chủ trương và đang xây dựng chức năng gửi nhận thông tin.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang thực hiện chức năng truyền quyết định cưỡng chế tự động với các ngân hàng thương mại. Đến nay, cơ quan thuế đã xây dựng quy trình xử lý nghiệp vụ gửi quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản bằng phương thức điện tử đến ngân hàng thương mại. Đồng thời, Tổng cục Thuế đang tích cực làm việc với các ngân hàng để hoàn thiện quy trình này.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức các đoàn công tác rà soát tình hình nợ thuế, phân tích nợ sai, nợ ảo tại các cục thuế, trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng nợ sai, nợ ảo. Gần đây nhất, ngày 29/8/2024, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị công tác quản lý nợ với các cục thuế địa phương và ban hành văn bản về công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế.
“Bộ Tài chính, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến của các đối tượng chịu tác động để đưa ra những giải pháp phù hợp. Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thể nộp thuế mà có thiện chí thì sẽ có giải pháp hỗ trợ. Cũng có thể sẽ đề xuất các mức nợ thuế cụ thể với từng trường hợp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế”, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Tổng cục Thuế tập trung vào các giải pháp cụ thể
Từ đầu năm đến nay, có khoảng gần 24.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế trên 50.000 tỷ đồng. Số thuế đã thu lại được là 1.844 tỷ đồng. Thậm chí, nhờ biện pháp này mà ngành Thuế đã “truy ra” gần 8.000 trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh khi vẫn nợ thuế. Qua đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế mong rằng, dư luận ủng hộ biện pháp này của cơ quan thuế.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác thu hồi nợ thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định rằng nhiệm vụ này vẫn còn rất nặng nề. Tổng nợ thuế tiếp tục tăng cao đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để thu hồi nợ, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Với phương châm "giảm một đồng nợ thuế là tăng thu một đồng cho ngân sách nhà nước", Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, như thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với những đối tượng nợ thuế.
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật châu Á (Asialaw) cho biết: “Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế đang nợ thuế là có đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành và đây là biện pháp cần thiết nên được áp dụng trong giai đoạn hiện nay, vì việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước là trách nhiệm của người nộp thuế. Trong số trường hợp nợ đọng tiền thuế, ngoài đối tượng khó khăn về tài chính chưa thu xếp được nguồn để nộp hoặc đang vướng về thủ tục, thì cũng có không ít trường hợp cố tình chây ỳ, trì hoãn việc nộp thuế”.
Để đạt được mục tiêu kéo giảm nợ thuế đề ra từ đầu năm, Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị tiếp tục tổ chức các đoàn công tác địa phương để rà soát, giám sát tình hình triển khai công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đặc biệt tập trung rà soát dữ liệu tiền thuế nợ.
Đồng thời, tiếp tục tổng hợp, phân tích, đánh giá nguyên nhân nợ thuế, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể, những việc có thể triển khai được ngay thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế và những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội. Tăng cường truyền thông về việc thông tin nợ thuế có thể tra cứu để có thể chủ động nộp thuế trước khi xuất nhập cảnh.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý nợ thuế, kết quả thu nợ 9 tháng đạt tốt với số nợ ước thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023 thực hiện, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ được 52.408 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 3.684 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành Thuế đẩy mạnh triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, thống kê từ năm 2023 đến tháng 9/2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, trong đó có 12.449 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 7.826 tỷ đồng. Kết quả thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 820 người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền là 53 tỷ đồng. |