Đậu nành "đại kỵ" với nhóm người nào?
Có nên sử dụng sữa đậu nành thay thế sữa bò không? Bất ngờ với những lợi ích của các loại đậu cho sức khỏe Những loại thực phẩm lên men hỗ trợ giảm mỡ hiệu quả |
Đậu nành là một trong số ít các loại hạt có chứa tỷ lệ đạm và hàm lượng protein tương đương với thịt. Nhưng protein trong đậu nành lại không chức các cholesterol LDL và có hàm lượng chất béo bão hoà thấp rất tốt cho cơ thể.
Ngoài ra, trong hạt đậu nành có chứa số lượng không nhỏ các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sức khoẻ con người như canxi, sắt, magie, photpho, thiamin, kali, folate, vitamin C,... Tuỳ thuộc vào cách chế biến của nhà sản xuất, mỗi loại đậu nành khác nhau lại có thành phần dinh dưỡng khác nhau. Đặc biệt, trong đậu nành còn chứa 9 loại axit amin thiết yếu có tác dụng xây dựng cơ bắp, duy trì sức khoẻ của xương khớp và các mô mà cơ thể không thể sản xuất được.
Đậu nành rất giàu chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có lợi. Ảnh: NTLC |
Lợi ích của đậu nành đối với sức khỏe
Đậu nành giúp giảm cholesterol: Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn đậu nành hàng ngày hoặc thực hiện một chế độ dinh dưỡng giàu thực phẩm từ đậu nành có thể giúp giảm đáng kể mức cholesterol LDL xấu và tăng cholesterol HDl tốt trong cơ thể. Chẳng hạn, khi bạn tiêu thụ trung bình khoảng 23 gram protein đậu nành mỗi ngày có thể giảm được khoảng 3% mức cholesterol toàn phần và cholesterol xấu. Ngoài ra, ăn đậu nành thường xuyên cũng giúp tăng mức cholesterol tốt (HDL) lên 3% và giảm mức chất béo trung tính khoảng 4%.
Đậu nành có thể làm giảm nguy cơ ung thư: Các nghiên cứu chất lượng cao gần đây đã phát hiện ra rằng đậu nành chưa qua chế biến không làm tăng nguy cơ ung thư vú và việc tiêu thụ nhiều thậm chí có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ. Trên thực tế, một phân tích của hơn 30 nghiên cứu cho thấy rằng ăn đậu nành làm giảm nguy cơ ung thư vú cho cả phụ nữ trước và sau mãn kinh ở các nước châu Á, nơi mọi người có xu hướng bắt đầu ăn đậu nành từ khi còn rất trẻ.
Đậu nành có thể cải thiện sức khỏe của xương: Mức độ estrogen thấp trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến canxi thoát ra khỏi xương. Chính vì vậy có thể khiến phụ nữ sau mãn kinh thường hay bị rơi vào tình trạng xương yếu và giòn, hay còn gọi là loãng xương.
Việc tiêu thụ 40-110mg isoflavone đậu nành mỗi ngày có thể làm giảm sự mất xương và cải thiện các dấu hiệu về sức khỏe của xương ở phụ nữ mãn kinh.
Protein trong đậu nành giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch: Việc thay thế thực phẩm có nguồn gốc động vật bằng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như đậu nành làm giảm lượng chất béo bão hòa và tăng lượng chất xơ, cả hai đều có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Ai không nên sử dụng đậu nành?
Đậu nành rất giàu chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có lợi. Chế độ ăn giàu thực phẩm đậu nành chế biến tối thiểu có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm các triệu chứng mãn kinh và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, một số người lại cần lưu ý và không nên sử dụng quá nhiều đậu nành vì sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Người có chức năng tiêu hóa kém: Sữa đậu nành có tính lạnh, những người khó tiêu, ợ hơi và chức năng tiêu hóa kém nên ít uống sữa đậu nành. Ngoài ra, những người bị viêm dạ dày cũng không nên ăn các sản phẩm từ đậu nành, để không kích thích tăng tiết quá mức axit dịch vị và làm bệnh nặng thêm, hoặc gây đầy hơi.
Người bệnh gout: Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin, trong khi đó đậu nành rất giàu purin. Purin là chất ưa nước nên đậu nành sau khi xay thì hàm lượng purin cao gấp mấy lần so với các sản phẩm làm từ đậu nành khác.
Vì vậy, người bệnh gout nên hạn chế uống sữa đậu nành. Nhưng không có nghĩa là tuyệt đối tránh dùng sữa đậu nành mà cần kiểm soát số lượng, để phòng và điều trị bệnh gout.
Bệnh nhân suy thận: Bệnh nhân suy thận cần có chế độ ăn ít đạm, trong khi đó đậu nành và các chế phẩm của chúng là những thực phẩm giàu chất đạm, các chất chuyển hóa sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
Người bệnh đang hồi phục sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng: Những người sau khi phẫu thuật hoặc ốm đau, sức đề kháng của cơ thể yếu và chức năng tiêu hóa không tốt. Lúc này, nên hạn chế sử dụng sữa đậu nành, đặc biệt là sữa đậu nành lạnh vì dễ bị buồn nôn, tiêu chảy và các triệu chứng khác.
Tốt nhất bệnh nhân nên sử dụng sữa chua trong thời gian phục hồi, có thể thúc đẩy tiêu hóa và bảo vệ chức năng đường tiêu hóa.
Người cao tuổi: Chức năng thận của người cao tuổi tương đối yếu và nếu ăn đậu nành, tức là chúng ta đã nhập vào cơ thể quá nhiều đạm thực vật trong quá trình ăn. Các chế phẩm từ đậu nành sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và có thể dẫn đến suy thận.
Nhiều người cao tuổi nếu sức khỏe tốt vẫn có thể ăn lượng đậu nành hợp lý, tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều.
Người có bệnh tuyến giáp: Thực phẩm đậu nành không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp ở những người có tuyến giáp khỏe mạnh. Nhưng nếu bạn có một tuyến giáp kém hoạt động, thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh là có thể cản trở cơ thể hấp thụ thuốc tuyến giáp. Vì vậy, nên đợi ít nhất bốn giờ sau khi ăn các sản phẩm từ đậu nành để uống thuốc tuyến giáp đã được bác sĩ kê đơn.
Thực tế, đậu nành rất giàu chất dinh dưỡng và có thể đem đến nhiều lợi ích sức khỏe đáng chú ý như giảm đường huyết, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm triệu chứng mãn kinh và các nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, cũng có một số người lo ngại về sự ảnh hưởng của chế độ ăn giàu đậu nành đối với sức khoẻ, chẳng hạn như làm giảm chức năng tuyến giáp. Vì vậy, khi sử dụng đậu nành, cần chú ý liều lượng và hỏi bác sỹ khi đang sử dụng các loại thuốc chữa bệnh.