Cuối năm, "công nghiệp lừa đảo" qua mạng "vào mùa"
Từ lừa đảo trên mạng đến nỗi lo an toàn dữ liệu Triển khai cấp tên định danh để phòng chống các cuộc gọi lừa đảo |
Lừa đảo qua mạng cuối năm lại “rộ vụ” cùng với những số liệu vừa được bật mí, tuy còn cần thêm những kiểm chứng song cũng đã đủ giật mình.
Tại một hoạt động của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo mới đây, các chuyên gia cho biết có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng “Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”.
Chưa hết, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm 2023, dự đoán năm 2024 tỷ suất lợi nhuận càng tăng. Đây là một mức tỷ suất không tưởng và cho dù tính xác thực của các con số này còn cần đến các sự phối kiểm khác nhưng cũng đã đủ để kết luận, lừa đảo qua mạng không còn là hiện tượng nữa mà thực sự đã trở thành một ngành công nghiệp, cho dù là một ngành công nghiệp hết sức bất hảo.
Việt Nam tự hào là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất nhì thế giới cùng lượng người dùng lên đến hàng chục triệu người nhưng đó chỉ là một mặt của tấm huy chương. Mặt còn lại của tấm huy chương có thể nhìn nhận qua con số của dự án nêu trên khi qua khảo sát cho thấy, trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. 29% người tham gia cho biết phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình số tiền thiệt hại khoảng 17,7 triệu đồng.
Ảnh minh họa. |
Các cánh tay nối dài của lừa đảo xếp theo thứ tự giảm dần gồm Facebook và Gmail, theo sau là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%). Không còn nghi ngờ gì nữa khi những ứng dụng xã hội này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính những gương mặt công nghệ để có được những cuộc sống riêng và câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải chịu ơn các ứng dụng này hay cần thiết phải bày tỏ sự lên án.
Rõ ràng những cảnh báo về lừa đảo qua mạng tuy cần thiết song đã trở nên gần như bất lực, kém hiệu quả nếu tiếp tục coi đây chỉ là những hiện tượng, tuy rằng vẫn bùng nổ mỗi dịp cuối năm. Bởi những vụ việc lừa đảo này đã không còn xuất phát từ một vài cá nhân, một vài nhóm mà đã thực sự có tổ chức và được lên “giáo trình” hẳn hoi.
Đi cùng với đó là câu hỏi về độ an toàn, bảo mật thông tin của người dùng với các tổ chức tài chính, ngân hàng và các định chế khác nắm được thông tin người dùng. Việc lộ thông tin ở đây thường được đổ cho hacker để các định chế trên đóng vai trò “vô can”, thậm chí còn là “bị hại”nhưng rõ ràng là chính nhân viên của các định chế này đã chủ động bán thông tin.
Không thể phủ nhận các nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc chống lại “tỷ suất” của ngành công nghiệp lừa đảo qua mạng. Đáng chú ý, theo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông có ít nhất 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có các hình thức chủ yếu: Lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm cùng những “công việc nhẹ, lương cao” khi ngồi tại gia cũng kiếm bạc triệu mỗi ngày.
Trong lúc chờ các ngành chức năng có đủ móng tay nhọn để chống lại ngành công nghiệp bất hảo này, điều không vui là vẫn lại phải trông chờ vào chính người dùng internet và các ứng dụng của mạng xã hội. Lời khuyên là cũng giống như uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, ở đây có thể cũng cần đến 7 giây suy xét (và có thể còn nhiều hơn thế) trước khi nhấp chuột hay chấm, lướt vào những lời mời trên mạng xã hội.
Phía bên kia bức tường khoảng cách vô hình luôn có vô số những kẻ bất nhân tung lời mật ngọt dẫn dụ người dùng và cả những đe doạ. Người dùng không chỉ cần thông minh mà còn cần cả bản lĩnh tự cứu mình, không tự đưa mình vào ma trận của những ứng dụng mạng xã hội trước khi trông đợi vào sự ra tay của các cơ quan chức năng.