Chuyên gia nói gì về việc mở rộng đường Láng?
Hà Nội: Dự án hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng gấp đôi đường Láng bao giờ triển khai? Đường Láng mở rộng gấp đôi, điểm nóng ùn tắc sẽ được “hạ nhiệt”? |
Vành đai 2 là trục giao thông xương sống dài hơn 43km, chạy qua 8 quận, huyện ở Hà Nội. Những năm qua, số tiền rót vào các dự án thành phần trên tuyến này là khoảng 2 tỷ USD. Một số công trình điển hình là cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công, đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy, nút giao trung tâm quận Long Biên, quốc lộ 5 kéo dài và cầu Đông Trù…
Hiện tuyến vành đai 2 đã gần khép kín các dự án thành phần. Nút thắt cuối cùng còn sót lại là đường Láng, tuy nhiên hiện tuyến này chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đường Láng có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Vì vậy, đề xuất chủ trương mở rộng đường Láng gấp đôi hiện tại (từ 10,5 m mỗi làn lên tổng 53,5 m chiều rộng) đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Việc đầu tư cải tạo nút thắt ùn tắc giao thông là vô cùng cần thiết |
Hà Nội dự kiến đầu tư mở rộng đường Láng kết hợp nối dài tuyến đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tổng chi phí khoảng 21.000 tỷ đồng (hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng đường dưới thấp và gần 3.900 tỷ đồng làm đường trên cao).
Đánh giá việc đầu tư cải tạo đường Láng là cần thiết, tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ ái ngại với mức đầu tư dự kiến cho đoạn đường 3,8 km là 17.241 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 541 tỷ đồng, còn chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 16.700 tỷ đồng (chiếm 96,8%).
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình - Phó trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản cho rằng, đây là một công trình giao thông trọng điểm vô cùng cấp bách và quan trọng ở thời điểm hiện tại. Tuyến đường Láng là một phần hướng tuyến Vành đai 2 - tuyến giao thông trục chính nằm bao bọc vùng lõi đô thị Hà Nội. Với một một đô thị thì tuyến đường vành đai rất quan trọng vì vậy việc mở rộng là điều tất yếu phải làm.
“Tuyến đường Láng này bản thân cũng chứng tỏ vị trí quan trọng khi lưu lượng giao thông hàng ngày rất là cao, đặc biệt là giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc. Tình trạng ùn tắc xảy ra vì đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng. Mặc dù ùn tắc nhưng người tham gia giao thông vẫn phải đi vào vì không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, mở rộng tuyến đường đáp ứng nhu cầu giao thông là điều cần thiết, tất yếu phải làm”, ông Bình nhấn mạnh.
Liên quan đến những ý kiến phản ánh về việc bỏ ra hơn 17.000 tỷ đồng chỉ dùng để giải phóng mặt bằng, chuyên gia nhận định con số này về tổng thể tuy lớn nhưng để đầu tư làm con đường này là cần thiết nếu so sánh tham chiếu về thời gian, chi phí hàng năm thiệt hại do tắc đường. Hơn nữa, chi phí cho việc giải phóng mặt bằng trong nội đô Hà Nội rất cao từ trước đến nay.
“Trước đây, đường Vành đai 1, đoạn Kim Liên - Xã Đàn vào năm 2008 được mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh với chi phí trung bình 1,41 tỷ/m. Bây giờ để giải phóng mặt bằng với tuyến đường Láng đúng là nó cao nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác, vì đây là tuyến đường huyết mạch của thành phố”, ông chia sẻ thêm.
Đồng thời, chuyên gia cho rằng việc phát triển của Thủ đô thì nên triển khai càng sớm càng tốt để tiết kiệm tối đa chi phí, nếu để lâu chi phí sẽ tiếp tục đội lên cao. Nếu lập ra đề án nhưng không triển khai, càng để lâu, khi người dân xây dựng thêm các công trình mới thì việc giải tỏa mặt bằng sẽ rất vất vả và tốn kém hơn.
Chia sẻ về phương án Thành phố sẽ mở rộng vành đai 2 về phía sông Tô Lịch, TS. Phan Lê Bình cho rằng, điều này bất hợp lý bởi trong bối cảnh Sở Giao thông vận tải vừa cho hoạt động thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp đầu tiên ở Thủ đô với lộ trình tuyến ven sông Tô Lịch đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy và các dự án làm sống lại sông Tô Lịch với ý nghĩa cảnh quan và thoát nước.
“Chúng ta đã vạch lộ giới quy hoạch đường Láng, cho nên cứ bám theo đó mà mở rộng. Đồng thời đã có sự quản lý từ lâu về mặt xây dựng đối với dân cư nằm sát mặt đường. Giả dụ chúng ta nắn tuyến bẻ sang bên sông Tô Lịch để làm tuyến cho ô tô, xe máy thì không thuận lắm. Trong khi chúng ta đã dùng đoạn đó để làm đoạn đường chuyên dụng cho xe đạp, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp như đã nói. Chúng ta không nên vì cái lợi trước mắt mà xoá bỏ diện tích dành cho xe đạp”, chuyên gia chia sẻ.
Thêm vào đó, TS Phan Lê Bình nêu đề xuất trong việc mở rộng đường Láng thì nên mở một làn đường riêng cho xe buýt. Muốn giảm ùn tắc giao thông phải hạn chế được xe cá nhân và có mạng lưới vận tải hành khách công cộng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại. Việc thiếu làn đường riêng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của xe buýt, mà còn khiến thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân chậm thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường của thành phố.
“Chừng nào phương tiện cá nhân còn gia tăng như hiện nay, thì Hà Nội còn phải đối mặt với áp lực giao thông ngày càng trầm trọng, xung đột, tai nạn và ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại”, chuyên gia nói.