Chứng nhận Halal: Điều kiện cần cho thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia hồi giáo
Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt vào Hồng Kông Thực phẩm Việt Nam có chen chân được vào thị trường Thái Lan? |
Nhu cầu cao
Nằm trong khu vực thị trường mới được Bộ Công Thương tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng xuất khẩu hàng hoá, Algeria được nhận định có nhu cầu cao với mặt hàng thực phẩm của Việt Nam.
Nguyên do được ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria chỉ ra: Nền kinh tế Algeria chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu khí. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển, do vậy phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu và chiếm thị phần đáng kể tại thị trường này, như: Cà phê, hạt tiêu, hạt điều và thuỷ sản, năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng này với kim ngạch lần lượt 85 triệu USD, 4,3 triệu USD, hạt điều 6,5 triệu USD và 4,67 triệu USD.
Tương tự, Malaysia cũng là quốc gia hồi giáo nhập khẩu nhiều nông sản, thực phẩm chế biến do nền sản xuất nông nghiệp trong nước chưa phát triển mạnh, sản lượng lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu.
Chứng nhận Halal: Điều kiện cần cho thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia hồi giáo |
Mặt khác, hình thức bán lẻ thực phẩm của Malaysia phát triển nhanh, đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu. Thu nhập khả dụng của người dân Malaysia đang trong xu hướng tăng, thúc đẩy nhu cầu sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao.
Với thị trường Malaysia, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu bởi có vị trí địa lý gần, số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Malaysia lớn, nhà hàng, quán ăn Việt Nam mở ra khá nhiều là kênh quảng bá văn hoá, ẩm thực hiệu quả. “Nhiều thực phẩm của Việt Nam, như gạo được người dân Malaysia đánh giá cao. Đặc biệt, một số món ăn của Việt Nam như phở, nem cuốn cũng rất thu hút người tiêu dùng ở nước sở tại”, ông Lê Phú Cường ,Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết.
Tại thị trường Indonesi, gạo của Việt Nam đang chiếm ưu thế. Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ thì từ 12/2022- 2/2023 quốc gia này đã nhập khẩu 500.000 tấn gạo và Việt Nam là một trong hai nhà cung cấp nhiều nhất cho Indonesia.
“Chỉ tính riêng tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu 86.000 tấn gạo sang Indonesia chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông tin.
Ngoài gạo, Indonesia còn có nhu cầu lớn với các loại lương thực và thực phẩm chế biến khác để đáp ứng tiêu dùng. Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới với 275 triệu người, nhập khẩu lương thực, thực phẩm và phẩm đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.
Cần chứng nhận Halal
Châu Phi, châu Á là những khu vực thị trường mục tiêu được lãnh đạo Bộ Công Thương định hướng duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại triển khai nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều đại diện thương vụ, bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công Thương doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Bởi lẽ, mỗi quốc gia có quy định về các tiêu chuẩn và văn hoá tiêu dùng khác nhau.
Nhưng có một điểm chung là các quốc gia theo đạo hồi đều yêu cầu chứng nhận Halal với thực phẩm nhập khẩu.
Ông Lê Phú Cường cho biết: Nhu cầu thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Malaysia tăng lên và mở rộng từ áp dụng cho sản phẩm từ thịt sang các đồ ăn nhẹ như sữa. “Chứng nhận Halal được coi như tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn. Chính phủ Malaysia cũng luôn khuyến cáo và thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm có chứng nhận Halal trong các hoạt động”, ông Lê Phú Cường nói.
Ngoài ra tại Malaysia, sản phẩm có chứng nhận Halal có thể dễ dàng tiếp cận đa dạng cộng đồng người tiêu dùng tại quốc gia này. Nếu không có chứng nhận sản phẩm chỉ có thể tiếp cận khoảng 20% dân số người gốc Trung Quốc và gần 10% người gốc Ấn Độ sinh sống tại nước sở tại.
Với thị trường Indonesia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng lưu ý: Để thuận lợi trong xuất khẩu, doanh nghiệp nên xin chứng nhận Halal của Indonesia. Chứng nhận này luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà phân phối nào của Indonesia với sản phẩm muốn tiếp cận thị trường.
Để đạt chứng nhận Halal là cả hành trình khó khăn và tốn kém, tuy nhiên với những doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu và xuất khẩu bền vững chứng nhận này là điều kiện bắt buộc. Cùng đó, là việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, hải quan và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác.