Chứng khoán tuần qua 27/11 - 01/12: Thanh khoản giảm mạnh, tâm lý thận trọng bao trùm
Chứng khoán tuần qua: Ngân hàng diễn biến kém tích cực nhất Giá vàng chiều nay 1/12/2023: Vàng SJC giảm tiếp 400.000 đồng/lượng Tỷ giá USD chiều nay 30/11: USD đồng loạt tăng giá |
Chứng khoán tuần qua, giao dịch ảm đạm
Chứng khoán tuần qua 27/11 - 01/12, VN-Index tổng cộng tăng 6,55 điểm (0,6%), HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,07%).
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội thị trường chứng khoán, VN-Index đã có 04 tuần liên tiếp tích lũy trong biên độ rất hẹp quanh vúng giá trung bình 1.100 điểm. HNX-Index có diễn biến tương tự tích lũy ở vùng giá trung bình quanh 225 điểm.
Thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 65.271,74 tỷ đồng, giảm mạnh 28,9% so với tuần trước, khối lượng giao dịch cũng giảm 28,9%, dưới mức trung bình thể hiện phần nào tâm lý thận trọng khi thị trường duy trì tích lũy kéo dài. Thanh khoản HNX giảm 31,4% với 7.659,19 tỷ đồng được giao dịch.
Với thị trường chung duy trì tích lũy trong biên độ hẹp, thanh khoản ở mức thấp thì cũng không có nhiều điểm nhấn nổi bật, tuy vẫn có số ít mã tích cực vượt trội trong các nhóm ngành như nông nghiệp với HAG (+13,46%), DBC (+4,58%), LSS (+3,56%) ... thanh khoản đột biến; nhóm bất động sản khu công nghiệp như ITA (+7,48%), VGC (+6,15%), GVR (+3,07%)... cảng; vận tải biến với DVP (+10,00%), VOS (+8,70%), HAH (+6,77%)... bán lẻ với PET (+5,94%).
Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu có diễn biến tích cực như SJS (+10,47%), NTL (+6,11%), VHM (+4,60%)... thì đa số chịu áp lực giảm điểm với LDG (-11,31%) giảm mạnh trước thông tin tiêu cực, TDC (-5,91%), L14 (-5,15%), CEO (-3,57%).
Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực trong tuần khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản rất thấp, chưa thu hút dòng tiền tham gia như STB (-2,83%), EIB (-2,14%), NAB (-2,10%), VAB (1,49%)... ngoài BID (+1,72%), LPB (+0,99%), BVB (+0,96%).
Các nhóm ngành khác không có nhiều diễn biến nổi bật trong tuần, kết thúc tuần đa số biến động trong biên độ hẹp, duy trì quá trình tích lũy với thanh khoản ở mức thấp.
Xét theo mức độ đóng góp, BID, GAS và VNM là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng BID đã đóng góp gần 0,7 điểm cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHM là mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng VHM đã lấy đi hơn 0,4 điểm của chỉ số.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh trong tuần với giá trị 707,19 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng trên HNX với giá trị 11,69 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua: Thanh khoản giảm mạnh, tâm lý thận trọng bao trùm |
Chính sách tuần qua, thông qua nhiều chính sách quan trọng
Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận một số thông tin trong tuần như: CPI tháng 11 tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
Quốc hội thông qua việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Quốc hội đã thống nhất đồng ý giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Các mặt hàng được áp dụng là toàn bộ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cho biết ngày 29/11/2023 đã có văn bản thông báo mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) tăng thêm cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022.
Đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. Tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm là 14,5%.
Về tình hình thế giới, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 3/2023 nhờ doanh nghiệp mạnh tay đầu tư và Chính phủ tăng cường chi tiêu. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố trong ngày 29/11, GDP Mỹ tăng trưởng 5.2% trong quý 3/2023 (đã hiệu chỉnh theo cơ sở hàng năm). Con số này cao hơn mức 4,9% từ số liệu sơ bộ và cũng cao hơn dự báo tăng 5% từ các chuyên gia kinh tế.
Đồng USD rơi xuống mức yếu nhất kể từ đầu tháng 8/2023 vì kỳ vọng Fed sẽ quay đầu giảm lãi suất vào tháng 5/2024. Chỉ số đồng USD của Bloomberg giảm ngày thứ 5 liên tiếp khi nỗi sợ về suy thoái và nhận định “bồ câu” từ các quan chức Fed khiến nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ sớm đảo ngược chính sách tiền tệ.
Trong tháng 10/2023, chỉ số PCE lõi có loại trừ thực phẩm và năng lượng tăng 0,2% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, cả hai số liệu này đều khớp với dự báo của các chuyên gia.
Tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu cũng còn nhiều yếu tố khó lường mặc dù các chỉ số lạm phát tại Mỹ, Châu Âu có dấu hiệu hạ nhiệt. Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp.