Chứng khoán tuần qua 18 - 22/12/2023: Tâm lý thận trọng bao trùm
Chứng khoán tuần qua giao dịch ảm đạm
Chứng khoán tuần qua 18/12 - 22/12/2023, tiếp tục có phiên giảm điểm đầu tuần, sau đó kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.080 điểm trước khi có 4 phiên tăng điểm liên tiếp và quay trở lại trên vùng 1.100 điểm.
Về thị trường chứng khoán, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, do mức độ tăng điểm các phiên là khá thấp nên kết thúc tuần VN-Index chỉ phục hồi tăng 0,07% so với tuần trước, dừng ở mức 1.103,06 điểm, HNX-Index có diễn biến tích cực hơn khi kết tuần tại 228,27 điểm, tương ứng mức tăng 0,55% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản trên cả 2 sàn niêm yết đạt 70.938 tỷ đồng, giảm mạnh 17,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 17,1% cho thấy dòng tiền tiếp tục suy giảm khi thị trường bước vào giai đoạn cuối năm.
Nhóm cố phiếu vốn hóa lớn diễn biến phân hóa và trái chiều nhau khiến cho chỉ số VN30 kết tuần không thay đổi so với tuần trước, chủ yếu do chịu áp lực bán ròng của khối ngoại, thanh khoản duy trì ở mức trung bình trong đó nhóm tăng điểm gồm BID (+2,29%), ACB (+1,98%), MBB (+1,39%), VHM (+1%), MWG (+3,93%), VRE (+1,77%)... trong khi các mã tiêu cực như FPT (-1,66%), VCB (-1,58%), VPB (-2,94%) SAB (-2,07%), VIC (-1,26%).
Các cổ phiếu bán lẻ có tuần giao dịch tích cực nhờ sự hồi phục của cổ phiếu lớn MWG(+3,93%), bên cạnh PNJ (+5,81%) nhờ đà tăng mạnh của giá vàng và FRT (+1,69%), DGW (+1,38%).
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán mặc dù chịu áp lực bán của khối ngoại tuy nhiên một số công ty chứng khoán công bố kế hoạch phát hành tăng vốn có diễn biến tốt trong tuần như SSI (+1,73%), HCM (+2,86%) cùng với BSI (+2,43%), FTS (+3,53%), VIX (+1,21%), VCI (+1,23%)…các mã còn lại chủ yếu đứng giá so với tuần trước.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến đa số tích cực hơn tuần trước đó với DIG (+2,38%), PDR (+1,9%), NTL (+3,45%), HDG (+4,49%)…trong khi NVL vẫn kém tích cực khi giảm 1,78%.
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến phân hóa khi ITA (-9,09%) chịu áp lực chốt lãi sau khi đã tăng khá mạnh, các mã khác chủ yếu tăng điểm nhẹ như DTD (+2,85%), KBC (+1,3%), VGC (+0,76%%), IDC (+1,19%), BCM (-4,62%).
Các cổ phiếu nông nghiệp tuần qua cũng khá ấn tượng khi nhiều mã tăng điểm khá như HAG (+3,45%), HNG (+13,26%), DBC (+3,15%).
Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sau tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF vẫn chưa ngừng khi khối này tiếp tục bán ròng 2.674 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết và kéo dài chuỗi bán ròng lên tuần thứ 7 liên tiếp. Trong đó giá trị bán ròng tại sàn HOSE là 2.692 tỷ đồng, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, dịch vụ tài chính-chứng khoán, bất động sản; mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị 18 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua, dòng tiền tiếp tục suy giảm. |
Chính sách tuần qua, công ty chứng khoán không được nhận tiền gửi
Trong tuần thị trường đón nhận một số thông tin như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc vào 15/1/2024 và sẽ thảo luận về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua các Luật trên tại kỳ họp giữa năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 13/12/2023, tín dụng tăng 9,87%, như vậy chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty chứng khoán không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng. Đồng thời, công ty chứng khoán không được thỏa thuận/ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại có nội dung gây hiểu nhầm về tài khoản chuyên dụng của nhà đầu tư đứng tên công ty chứng khoán tại ngân hàng thương mại
Đối với thị trường chứng khoán quốc tế, tuần qua đà tăng giá trên thị trường chứng khoán Mỹ đã chững lại trong phiên giao dịch ngày 20/12 khi các nhà đầu tư đánh giá lại tác động xung quanh triển vọng giảm lãi suất trong năm tới.
Kết thúc phiên giao dịch 20/12, Dow Jones giảm 475,92 điểm, tương đương 1,27%. S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt giảm 1,47% và 1,5%. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên của các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ trong suốt gần 10 phiên giao dịch vừa qua.
Trước đó, dữ liệu được công bố trong ngày 20/12 cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 12 đã tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này tăng, cho thấy người Mỹ ít lo ngại hơn về suy thoái.
Dow Jones tăng lên mức kỷ lục mới trong ngày 13/12 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất vài lần trong năm 2024. Điều này làm hài lòng những nhà đầu tư vốn kỳ vọng ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ công nhận xu hướng hạ nhiệt của lạm phát và bắt đầu nới lỏng chính sách vào năm sau.