Căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt, giá dầu giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp
Chỉ trong hai phiên liên tiếp, giá đã về mức thấp nhất trong gần hai tuần qua. Nguyên nhân chủ yếu là do những căng thẳng tại Biển Đỏ có chiều hướng hạ nhiệt, khiến các tàu hàng vận chuyển thuận lợi và đẩy nhanh nguồn cung ra ngoài thị trường hơn. Thêm vào đó, lo ngại về tăng trưởng nhu cầu và tâm lý chốt lời cuối năm cũng góp phần gây sức ép lên giá.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,16% xuống còn 71,77 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 77,15 USD/thùng, giảm 3% so với phiên trước đó.
Theo hãng tin Reuters, một số chủ hàng đã bắt đầu nối lại hoạt động trên Biển Đỏ. Maersk của Đan Mạch sẽ định tuyến hầu hết tất cả các tàu container đi giữa châu Á và châu Âu qua kênh đào Suez và chỉ chuyển hướng một số tàu đi vòng quanh châu Phi. Đà tăng trước đó của giá dầu chủ yếu là do lo ngại gián đoạn nguồn cung tại khu vực này, nên khi căng thẳng hạ nhiệt, các nhà đầu tư cũng tăng cường vị thế chốt lời.
Ngoài ra, kỳ vọng thị trường về tình hình nhu cầu dầu thô vẫn chưa khởi sắc, cũng thúc đẩy lực bán mạnh. Phân tích từ Reuters cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ đối mặt với mức tiêu thụ dầu yếu trong nửa đầu năm 2024, khi thị phần toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19 do cắt giảm sản lượng và sự ra đi của thành viên Angola.
Tính đến tháng 11 năm 2023, sản lượng dầu thô của OPEC chiếm 27,4% tổng thị trường, giảm từ mức 32-33% trong năm 2017-2018, theo số liệu từ báo cáo hàng tháng của nhóm.
Các nhà giao dịch cũng thận trọng chốt lời ngay trước thềm năm mới. Khối lượng giao dịch thấp, hiện vẫn ở dưới mức trung bình 50 ngày trong 8 phiên gần nhất. Điều này hạn chế đáng kể vị thế mở mua hợp đồng dầu mới ngay cả khi báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thương mại bất ngờ giảm mạnh 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/12. Trước đó, Viện dầu khí độc lập Mỹ (API) báo cáo mức tăng nhẹ 1,84 triệu thùng.
Mặc dù dự trữ quốc gia giảm, nhưng tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng của Mỹ ở Cushing, Oklahoma, địa điểm phân phối dầu thô tiêu chuẩn, tiếp tục tăng lên mức 34 triệu thùng, từ mức 32,5 triệu thùng trong tuần trước. Sản lượng tại Mỹ duy trì mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy tình hình tiêu thụ trên thực tế vẫn khá yếu so với nguồn cung tương đối dồi dào, làm gia tăng sức ép tới giá dầu trong phiên.