Cần giải pháp quyết liệt để doanh nghiệp không bị gạt khỏi thị trường
Khơi thông những động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp Trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng đẩy mạnh trở lại Giải pháp nào bảo vệ doanh nghiệp Việt khỏi nguy cơ mất dữ liệu? |
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (trường Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
Thưa chuyên gia, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm là 97.300, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Lượng doanh nghiệp giải thể 5 tháng đầu năm cao cho thấy thị trường đang có sự chuyển dịch quan trọng với những yêu cầu cao hơn về khả năng đáp ứng, sức chống chịu với những biến chuyển đáng kể, sức cạnh tranh để giữ vững kết nối chuỗi cung ứng trong điều kiện có sự thay đổi hết sức mau lẹ của bối cảnh. Đây có thể là tín hiệu của một giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp nếu tái cơ cấu hiệu quả dựa trên động lực tăng trưởng mới.
Nó cũng cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận và khai thác hiệu quả đơn hàng, nhất là đơn hàng quy mô phù hợp và thời hạn dài, khó khăn do tăng chi phí tuân thủ với các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, hữu cơ, carbon thấp, phát thải ròng giảm đến 0, chuyển dịch cơ cấu năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó là chi phí chưa được tiến về 0 của môi trường kinh doanh, chi phí logistics vẫn còn cao và tính bất ổn của kinh tế thế giới đang trở thành thách thức hiện hữu, rủi ro khó tránh khỏi.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu giảm thiểu chi phí tuân thủ và chi phí logistics. Ảnh minh hoạ. |
Cùng với đó, sự thâm nhập sâu của đối tác nước ngoài vào thị trường Việt Nam làm giảm thị phần doanh nghiệp nội địa, tăng cao khả năng rút lui của doanh nghiệp khỏi thị trường. Biến động bất thường giá vàng làm cho doanh nghiệp quan tâm không nhỏ đến tìm lợi ích ngắn hạn thay cho đầu tư lâu dài.
Tình hình này đòi hỏi có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn để tạo lực lượng đủ lớn thực hiện các mục tiêu kinh tế quốc gia và tận dụng cơ hội hiện có hoặc cơ hội mới, phát huy tiềm năng, tăng nội lực thực chất để không để đất nước tụt hậu, doanh nghiệp bị gạt ra khỏi thị trường.
Đâu sẽ là những giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như hiện nay, thưa ông?
Giải pháp cần thiết giai đoạn này là phải kết hợp và đồng hành giữa phát huy vai trò Nhà nước và nỗ lực doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ lãi suất, thuế và các hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, OCOP cần được thúc đẩy và thực hiện quyết liệt, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu giảm thiểu chi phí tuân thủ và chi phí logistics, chi phí phi chính thức cần triệt để hơn. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm, kết nối đối tác trong và ngoài nước, hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ theo hướng khuyến khích mạnh tinh thần doanh nhân, có thêm chương trình nâng cấp sản phẩm chủ lực của Việt Nam có thương hiệu toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp, cần coi trọng tính năng động, linh hoạt hơn nữa để thích nghi với điều kiện kinh doanh thường xuyên thay đổi, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo phương thức mới như theo tiêu chuẩn xanh hoá, số hoá, đa dạng hoá có trọng điểm. Coi trọng tái cơ cấu, tận dụng triệt để hỗ trợ của Nhà nước để tìm kiếm khách hàng mới, duy trì khách hàng hiện có và kết nối doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau cùng phát hiện và đáp ứng nhu cầu mới, coi trọng nghiên cứu và dự báo thị trường để nắm bắt và đón đầu cũng như có cơ chế dự phòng rủi ro hiệu quả.
Dưới góc độ ngành Công Thương, theo ông, đâu là những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
Ngành Công Thương cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tiếp cận đối tác trong nước và nước ngoài thông qua tổ chức sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin mặt hàng, thị trường, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, nhất là nhân lực số, tư vấn khởi nghiệp.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng |
Đồng thời, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác trong các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Cùng với đó, cần tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các đối tác khác trong nước và quốc tế về kinh phí nghiên cứu, khảo sát thị trường thông qua Thương vụ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Việc kết nối doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ lẫn nhau, giảm thiểu khó khăn, tận dụng và bổ sung thế mạnh là cần thiết. Coi trọng phát triển các nền tảng thương mại điện tử, kết nối B2B, B2C để tăng giao dịch. Cung cấp thông tin về tiêu chuẩn chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, chuyển đổi hữu cơ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp triệt để tận dụng cơ hội, xây dựng và quyết liệt triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo địa phương, địa bàn và mặt hàng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển thương hiệu hàng hoá, dịch vụ và tổ chức kinh doanh theo chuỗi hiệu quả.
Đặc biệt ngành Công Thương cần kết hợp với các ngành khác như logistics, du lịch, ngân hàng, nông nghiệp… để cùng hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, trực tiếp và đầy đủ hơn.
Xin cảm ơn ông.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện 3 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi. Thứ hai, cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra. Thứ ba, liên quan đến thị trường xuất khẩu, thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. |