Cấm để xe điện hầm chung cư hay là chuyện “bóc ngắn, cắn dài” trong xây dựng
Cháy chung cư mini làm 56 người chết: Công bố nguyên nhân Liên tục xảy ra cháy chung cư trên địa bàn Hà Nội |
“Giờ cấm để xe điện hầm chung cư thì biết để ở đâu, rồi sạc điện thế nào nhất là khi mưa gió” là câu than thở chung của nhiều cư dân chung cư trước lệnh không cho để xe điện ở hầm chung cư.
“Cái gì không quản được là cấm đã khổ, giờ lại thêm cái gì cảm thấy gai gai mà chưa tìm hiểu lại cứ cấm thì thật không hiểu nổi”, vẫn những dòng tâm sự như trên.
Nhiều gia đình ở chung cư, nhất là chung cư mini thường có 1 đến 2 cái xe điện, tìm được bãi để xe gần nơi ở cũng có thể tốn thêm cả tiền triệu gửi xe. Tích cóp vay mượn mãi mới mua được căn hộ chung cư với nhiều quyền lợi “đường mật”, nhiều cư dân chung cư bây giờ mới hiểu, niềm vui thì ngắn mà nỗi lo có thể không có điểm dừng.
Các chung cư mini tận dụng đất tối đa để xây cốt sao “lèn” cho được nhiều người ở mà ngay cả với không ít chung cư mang danh “cao cấp”. Việc bố trí đất xây dựng cho việc để xe điện, xe máy, rồi sân bãi đỗ ô tô dường như chỉ xuất hiện trên bản vẽ. Khi chung cư mọc lên, ngay đến cả cái lối thoát hiểm được tận dụng để cho việc khác.
Quản lý xây dựng chung cư ở Hà Nội còn nhiều việc phải làm. Ảnh minh hoạ |
Chủ xây dựng, ban quản lý chung cư không rõ vì sao bỏ qua những yêu cầu thiết yếu ấy. Hỏi có biết không? Câu trả lời là biết và biết rất rõ là đằng khác nhưng ngặt vì mấy chữ “tối đa hoá” lợi nhuận, đẩy nhanh thu hồi vốn và trốn trách nhiệm quản lý khi vụ việc chập cháy xảy ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa đó là bệnh “bóc ngắn, cắn dài” trong quy hoạch và quản lý xây dựng hiện nay.
Các yêu cầu về bố trí đất sử dụng ngoài đất ở đã được hình thành ngay từ khâu thiết kế, quy hoạch nhưng có vẻ như tất cả chỉ dừng trên bản vẽ để mang ra phê duyệt. Phê duyệt xong, “phết phảy” đã ổn thế là công trình chung cư lại có cuộc sống riêng của mình theo ý chủ đầu tư, chủ đất, chủ xây dựng để rồi sẽ đẩy người đến ở vào cảnh “dở khóc dở mếu”.
Nhỏ là chuyện có được chỗ để xe, sạc điện, to là chuyện có được trường học cho con. Tất cả những điều này đã được có trong thiết kế. Nhưng rồi thiết kế vậy mà lại không phải vậy.
Dường như một triết lý hay được áp dụng trong quản lý xây dựng ở Hà Nội là “phạt cho tồn tại” với nhiều chủ đầu tư, chủ xây dựng “mong” được đến lượt mình nhận “phạt”. Cái triết lý ấy cộng với căn bệnh “bóc ngắn, cắn dài” trong quy hoạch, trong quản lý xây dựng đã khiến cho bộ mặt kiến trúc thủ đô xuất hiện, tồn tại những không gian méo mó.
Cái triết lý này có từ bao giờ? Có lẽ không nhầm là khoảng từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước khi Hà Nội bắt đầu rộ xây dựng. Còn nhớ hồi đó một ông chủ tịch quận Hà Nội xuất thân từ dân xây dựng trong một số buổi họp báo tỏ cho thấy khá “tâm đắc” với triết lý này.
Mới đây, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã phải lên tiếng chia sẻ trên báo chí rằng, "sau mỗi công trình vi phạm, xây vượt tầng là có "chống lưng”. Chính điều này đẩy người đi xử phạt ở vào cái thế vừa phải đương đầu với chủ công trình vừa với người "chống lưng" cho chủ đầu tư sai phạm.
Lối thoát cho vấn đề này có thể bắt đầu từ chính việc bảo đảm lối thoát hiểm cho các khu chung cư mini cũng như các khu chung cư khác!