Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp để người bệnh giảm chi tiền túi
Bộ Y tế ưu tiên thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc hiếm, thuốc không sẵn có Bộ Y tế đề xuất cấm mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế |
Ngày 8/11, Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn những lĩnh vực cuối là khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông.
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nữ đại biểu cho ý kiến, căn cứ theo Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đề cập đến việc làm thế nào để hạn chế tỷ lệ sử dụng tiền túi của người bệnh khi sử dụng dịch vụ y tế, cụ thể phải giảm xuống dưới 35% vào năm 2025. Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình hiện nay, đại biểu nhận thấy rất khó để có thể giảm tỷ lệ này. Do đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Y tế cùng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp nào để giải quyết vấn đề nêu trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. |
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vấn đề giảm chi tiền túi của bệnh nhân liên quan trực tiếp đến vấn đề thay đổi mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra, phải tăng cường chăm sóc điều trị sức khỏe ban đầu, tăng cường cho công tác dự phòng và giảm bớt các chi phí điều trị.
Theo bà Đào Hồng Lan hiện nay các mô hình bệnh tật ở nước ta thay đổi rất nhiều, kèm theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đáng nói, việc nhận thức của người dân khi đi khám chữa bệnh là chỉ đến bệnh viện khi đã ốm, do đó nếu kết quả khám bệnh nặng thì chi phí điều trị rất cao.
“Theo báo cáo của Bệnh viện K Trung ương liên quan đến bệnh ung thư thường bệnh nhân khi đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn,chi phí rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định để giảm chi tiền túi của người bệnh điều này có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững. Đó là phải tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe, có mô hình tài chính bền vững đồng thời tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế (BHYT).
"Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới", bà Đào Hồng Lan cho biết.