Bất chấp số liệu lao động Mỹ hạ nhiệt, giá kim loại quý tiếp tục giảm
Đồng USD tăng “chèn ép” nhóm kim loại Giá kim loại lao dốc do đồng USD tăng mạnh Yếu tố đặc biệt giúp giá kim loại quý có thể tăng cao |
Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đều nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Chốt phiên, giá bạc neo tại mức 24,22 USD/ounce sau khi giảm 1,3% và giá bạch kim để mất 1,42%, dừng chân tại 893,7 USD/ounce.
Bất chấp số liệu lao động Mỹ hạ nhiệt, giá kim loại quý vẫn giảm chủ yếu là do sự phục hồi của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác đang tăng trở lại sau khi giảm mạnh trong tháng 11. Kết phiên hôm qua, chỉ số này tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tuần, neo tại mức 104,15 điểm.
Hơn nữa, việc thị trường có những quan điểm trái chiều về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khiến dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý. Theo khảo sát của hãng tin Reuters được công bố hôm qua, phần lớn các nhà kinh tế tham gia khảo sát cho rằng FED sẽ không cắt giảm lãi suất ít nhất là tới tháng 7/2024, muộn hơn so với khảo sát trước đó.
Do vậy, thị trường sẽ tiếp tục thận trọng chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 của Mỹ. Đây là số liệu quan trọng phản ánh rõ hơn tình trạng thị trường lao động Mỹ hiện tại và có tác động trực tiếp tới quyết định lãi suất của FED.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Chốt phiên, giá đồng giảm 1,31% so với mức tham chiếu, đóng cửa tại mức 3,73 USD/pound, mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng đang trên đà suy yếu khi thị trường ngày càng bi quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Giá đồng sẽ tiếp tục gặp áp lực cho tới khi các nhà đầu tư nhìn thấy sự tăng trưởng bền vững hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà tiêu thụ đồng hàng đầu.
Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt tăng 2,01% lên 131,65 USD/tấn. Giá quặng sắt đang có dấu hiệu phục hồi trở lại khi mối lo ngại về sự giám sát thị trường của Trung Quốc nhằm ổn định giá bắt đầu giảm bớt. Nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ hai thế giới Vale SA cho biết, Trung Quốc có thể là nước mua quặng sắt lớn nhất thế giới, nhưng sở hữu vị thế quyền lực này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể thành công trong việc kiểm soát giá quặng sắt.