Xuất khẩu thủy sản: “Điểm sáng” thị trường Mexico, Tây Ban Nha
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước tác động của làn sóng dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 đã bị ảnh hưởng mạnh - thể hiện rõ rệt qua sự sụt giảm 20 thị trường so với cùng kỳ. Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Canada, Australia… cũng giảm mạnh từ 35-45% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng mạnh trong tháng 8/2021. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, đại diện của VASEP cho biết, tại thị trường Mỹ, sản phẩm tôm của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ là Ecuador, Ấn Độ. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 1,055 tỷ pound và thị phần của Ấn Độ chiếm 36% tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ (ổn định so với cùng kỳ), Ecuador chiếm 22% thị phần (tăng từ 17% của cùng kỳ năm ngoái), Việt Nam chiếm 9% (từ 7% của cùng kỳ năm ngoái). Như vậy, Ấn Độ hiện vẫn là nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm này, Ecuador đứng thứ 3 còn Việt Nam đứng thứ 4.
Tuy vậy, VASEP cũng đánh giá, trong bức tranh xuất khẩu vẫn xuất hiện một vài điểm sáng khi các thị trường nhỏ vẫn duy trì đà tăng trưởng. Theo đó, thị trường Mexico tăng 72%, Philppines tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%…
Các số liệu từ VASEP cho thấy, tại thị trường Mexico, trong tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 5,7 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng mạnh 263%. Tính đến hết tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, dù chỉ chiếm hơn 1% kim ngạch xuất khẩu sản, nhưng với đà tăng trưởng xuất khẩu cá tra và cá ngừ như hiện nay, thị trường Mexico sẽ là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới với ưu thế về thuế nhập khẩu theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, chỉ riêng với cá tra, tính đến hết tháng 8 năm nay xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng 72%, đạt trên 46%, chiếm 4,7% xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đưa Mexico trở thành thị trường đơn lẻ lớn thứ 3 về giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ.
Tại thị trường Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, VASEP cho biết, trong tháng 8 vừa qua đã có sự tăng trưởng bứt phá nhờ nhuyễn thể hai mảnh vỏ và cá ngừ. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Tây Ban Nha trong tháng 8 đạt 8,2 triệu USD, tăng 48%. Với cá ngừ chiếm 39%, đạt 3,2 triệu USD, tăng 30%. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt trên 45 triệu USD, tăng 17%; trong đó cá ngừ đạt 12,4 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 15,6 triệu USD, tăng 44%. Với thị trường Bồ Đào Nha trong tháng 8 ghi nhận tăng 15% với kim ngạch 3,8 triệu USD và 8 tháng đầu năm tăng 13%, đạt gần 30 triệu USD.
Đại diện của VASEP đánh giá, việc xuất khẩu sang các thị trường nhỏ tăng trưởng ổn định là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đồng thời cho thấy sự chủ động khai thác thị trường ngách để thích nghi với diễn biến của đại dịch.
Trong giai đoạn tới, nhận định làn sóng dịch thứ 4 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn diễn biến phức tạp vì thế để đạt mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm 2021, VASEP đề xuất Bộ NN&PTNT xin chủ trương từ Chính phủ, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tạo cơ chế ưu đãi cho lưu thông, vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất. Ngoài ra, VASEP đề nghị các tỉnh, thành phố thống nhất về các quy định sản xuất trong tình hình mới. Cùng với đó, các bộ, ban, ngành và địa phương cần chính sách để thúc đẩy sản xuất ở cả phía cung và cầu. Cụ thể, với đầu cung cần đẩy mạnh tiêm vắc xin ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, còn đầu cầu các tỉnh, thành phố cần sớm mở lại các chợ đầu mối, tăng tiêu thụ nội địa, đưa giá thủy sản đi lên, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất. |