Xuất khẩu hàng hóa sang Úc, gia tăng cơ hội từ CPTPP
Xuất khẩu nhựa vào Úc: Dư địa vẫn còn nhiều |
Hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Úc
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Úc là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu, quốc gia này đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư tiềm năng nhất của Việt Nam.
Một số mặt hàng từ Việt Nam được người tiêu dùng Úc ưa thích |
Bên cạnh đó, Úc còn là một trong những đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên của Việt Nam (FTA ASEAN – Australia/New Zealand hay còn gọi là AANZFTA), mở ra nhiều lợi thế cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động của Việt Nam khi tiếp cận thị trường này.
Đặc biệt, Việt Nam và Úc mới có thêm một FTA chung là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 12/2018 đối với Úc và tháng 1/2019 đối với Việt Nam.
So với AANZFTA và các FTA khác của Việt Nam, Trung tâm WTO và Hội nhập đánh giá, đây là Hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay cả về mức độ tự do hóa và phạm vi áp dụng. Trong đó, Australia có các cam kết mở cửa hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động cao hơn đáng kể cho Việt Nam so với AANZFTA và WTO.
Với những thuận lợi đó, thời gian qua, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước ngày càng khởi sắc với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,4 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 50%) và 12 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022 (tăng hơn 30%), đưa Úc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 10 của Úc.
Tuy nhiên, so với những cơ hội đang có, Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa khai thác hết thị trường Úc tiềm năng.
Thương vụ Việt Nam tại Úc khẳng định, hiện chúng ta đang có thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Cụ thể, thuận lợi từ các thỏa thuận thương mại đã ký kết, thuế xuất hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Úc hầu hết về 0%, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên; hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Úc.
Đáng kể, với cộng đồng người Việt Nam tại Úc với trên 320 ngàn Việt kiều, chưa kể số lượng cán bộ, du học sinh đang công tác, học tập. Đây là cơ sở để quảng bá sản phẩm, xây dựng mạng lưới khách hàng, hệ thống phân phối hàng Việt vững chắc tại thị trường Úc.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho rằng, khó khăn đang đến từ rào cản kỹ thuật, quy định ngặt nghèo về an toàn sinh học của Úc vẫn là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong đó, Úc hiện chỉ mở cửa cho 4 loại trái cây tươi Việt Nam. Nên việc mở rộng dư địa xuất khẩu rau quả là một thách thức lớn. Ngoài ra, chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện và từng bước nâng cao, tuy nhiên chưa đồng đều và thiếu ổn định.
Đồng thời, dù sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực, chính vì vậy việc tham gia các FTA cũng sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, do tác động từ chiến sự Ukraina tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu; giá cả hàng hóa, nguyên nhiên liệu đầu vào thế giới, tỉ giá USD đang ở mức cao là một khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới.
Đẩy mạnh xúc tiến thị trường
Thời gian tới, biện pháp xúc tiến thị trường hiệu quả theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, đó là cần căn cứ đặc điểm từng thời kỳ và chính sách của chính phủ Úc để triển khai các hoạt động.
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Úc đưa ra kế hoạch hành động với 4 trụ cột.
Một là, số hóa thương vụ, tăng khả năng phục vụ doanh nghiệp với hệ sinh thái nhiều hữu ích như ứng dụng kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương trong thương mại và đầu tư, khai thác khả năng vận dụng các FTAs, hình thành triển lãm trực tuyến nguồn hàng Việt Nam tại Úc.
Hai là, xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu các ngành hàng được lựa chọn một cách kiên trì và hiệu quả.
Ba là, nghiên cứu chính sách của chính phủ Úc kịp thời. Theo đó, nhờ nghiên cứu chính sách kịp thời nên đã thúc đẩy xuất khẩu một số ngành như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, sản phẩm số, hàng tiêu dung, nông sản….
Bốn là, đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, và mở rộng tại các bang rộng khắp Úc như: Tổ chức các sự kiện dùng thử sản phẩm, chương trình xúc tiến hướng vào người tiêu dùng trẻ, chương trình xây dựng thương hiệu gắn với cam kết về chất lượng, chương trình hỗ trợ thiết kế quảng cáo miễn phí, chương trình phối hợp đưa sản phẩm mới vào Úc, chương trình hỗ trợ hệ thống phân phối lớn tiêu thụ hàng Việt Nam, chương trình chuyên sâu hỗ trợ các ngành hàng, địa phương khi có yêu cầu,..
Ngoài kế hoạch của Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng nêu rõ thêm một số khuyến nghị về hoạt động xúc tiến thị trường Úc tới Bộ ngành, Hiệp hội, trong đó, cần bố trí kinh phí xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham hội trợ, triển lãm chợ tại thị trường Úc.
Mặt khác, phải có các chính sách hỗ trợ người nước ngoài vào Việt Nam mua hàng như tổ chức cho các nhà nhập khẩu, phân phối tại Úc tham gia các chương trình khảo sát quan các cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu hoặc tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu tại địa phương, hội chợ quốc tế ngành hàng tại Việt Nam.
Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Úc trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường Úc. Cũng như tăng cường thông tin trên cổng thông tin tiếng Anh của địa phương vì Ứng dụng của Thương vụ đã kết nối đến từng địa phương để giúp quảng bá thương mại, du lịch, đầu tư; Có biện pháp phân loại, quản lý chất lượng nông sản.
Về phía các doanh nghiệp, Thương vụ Úc nhấn mạnh, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Đặc biệt lưu tâm chất lượng sản phẩm: Tuân thủ quy định về an toàn sinh học, an toàn thực phẩm; Đảm bảo và chú trọng nghiên cứu từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng; ưu tiên nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, theo Thương vụ Úc, doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện mẫu mã, bao gói sản phẩm: Hình thức, thông tin trên bao bì, chất liệu sản phẩm bao gói (xu hướng thân thiện với môi trường)... Cập nhật thường xuyên những quy định của Úc; chủ động theo dõi, trao đổi với nhà nhập khẩu, đơn vị tư vấn luật, Thương vụ Úc để tránh vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.