Xuất khẩu gạo cần đặc biệt quan tâm thị trường Trung Quốc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 43-44 triệu tấn lúa, tương đương 22-23 triệu tấn gạo. 15% sản lượng gạo Việt Nam được xuất khẩu đi các nước.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước). Trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững.
Về thị trường xuất khẩu, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trước đây lẫn hiện tại. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,…
Hiện, có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định. Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này.
"Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp", ông Hoà nói.
Liên quan tới xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho biết: Trung Quốc là nước có 1,4 tỷ dân, mỗi năm nhập khoảng 120 triệu tấn các loại lương thực, trong đó gạo khoảng 5 triệu tấn. Tuy nhiên, để xuất khẩu được nhiều sản phẩm vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần phải có kinh nghiệm và hiểu rõ nhu cầu của đối tác.
“Trung Quốc mỗi năm cần nhập khẩu 5 triệu tấn gạo nhưng có đến 90% là gạo thường, phổ thông và vài % là gạo cao cấp. Khi đàm phán các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị hồ sơ chào hàng theo nhu cầu của đối tác sẽ dễ thành công hơn", ông Phi nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị doanh nhân này đề nghị các doanh nghiệp Việt cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc để tránh trường hợp không hiểu thị trường, khi đưa hàng lên biên giới lại phải quay đầu sẽ rất tốn kém.
Bên cạnh Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn.
Để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến, đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,… của thị trường nhập khẩu.