Vì sao các doanh nghiệp liên tục mua lại trái phiếu trước hạn?
Quy định tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp Chính thức siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp |
Lý giải vì sao doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu DRGCH2123005 phát hành ngày 31/12/2021, kỳ hạn 24 tháng.
Được biết, lô trái phiếu này có tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng đã được Vạn Hương Investoco mua lại vào ngày 18/1/2023, sớm hơn gần 1 năm so với ngày đáo hạn.
Cũng trong tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim cũng đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng lô trái phiếu này.
Tiếp đó, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (cổ phiếu VSH) đã phê duyệt mua lại trước hạn lô trái phiếu có tổng trị giá 219 tỷ đồng được chia làm 5 đợt phát hành vào năm 2019. Thời gian kết thúc đợt mua lại dự kiến trong tháng 2 và tháng 3/2023.
Đáng chú ý, đầu tháng 2/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (cổ phiếu HPX) đã tiến hành mua lại 62,5 tỷ đồng trong số 385 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu HPXH2124001. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cũng mua lại 94,5 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu H79CH2123021.
Hàng loạt doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn (ảnh minh họa) |
Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc hàng loạt các doanh nghiệp liên tục mua lại trái phiếu trước hạn xuất phát từ nhiều lý do.
Đầu tiên là dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu đang triển khai nhưng doanh nghiệp thấy không còn khả thi nữa. Do đó, doanh nghiệp muốn trả nợ cho các trái chủ để giảm gánh nặng tài chính nên chọn phương án mua lại sớm hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất ngờ có được nguồn vốn dư thừa hoặc vay được nguồn khác có lãi suất thấp hơn trái phiếu. Hành động mua lại sớm trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vốn đáng kể.
Ngoài ra, việc mua lại trước hạn bắt nguồn từ Nghị định 65. Nghị định này cho phép các nhà phát hành mua lại trái phiếu trước hạn nếu các trái chủ yêu cầu. Do đó, các doanh nghiệp có thể có những đợt phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật (như sử dụng vốn sai mục đích) nên nhà phát hành buộc phải mua lại trước hạn nếu không muốn bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo chuyên gia từ FiinRatings, việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn thường tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm. Cụ thể, trong tháng 1 ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn đạt 8,9 nghìn tỉ đồng, tương đương bằng 18,8% so với tháng trước và nhưng lại tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo chuyên gia này, xu hướng trên phụ thuộc vào hoạt động hỗ trợ thanh khoản từ hệ thống tổ chức tín dụng. Quy mô mua lại lẻ tẻ quanh năm và tăng vọt vào tháng 6 và tháng 12 (thời điểm chốt báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm).
Khoảng 272.853 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023
Theo số liệu thống kê mới đây, ước tính giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2023 đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 76,6% so với cùng kỳ). Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành là bất động sản, tài chính – ngân hàng, nhóm ngành khác.
Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.
Đáng chú ý, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riếng lẻ trong năm, khoảng 102.570 tỷ đồng (tăng 76,0% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất năm 2023 gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (14.476 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Saigon Glory 7.000 tỷ đồng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Bất động sản An Khang 4.960 tỷ đồng.
Tiếp theo là nhóm ngành tài chính – ngân hàng với 37,0% tổng giá trị đáo hạn trong 2023, khoảng 100.824 tỷ đồng (tăng 55,0% so với cùng kỳ). Nổi bật nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng 13.650 tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt 9.900 tỷ đồng.
Cuối cùng là các ngành khác chiếm 25,5% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, đạt 69.459 tỷ đồng (tăng 122,4% so với cùng kỳ).