Triệt tiêu "lỗ hổng" thất thu thuế, tăng thu ngân sách từ kinh doanh qua mạng
Bạc Liêu: Nợ thuế ''khủng'', Chi nhánh Công ty Công Lý bị cưỡng chế 2 tài khoản ngân hàng Kiến nghị thay đổi quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế, Bộ Tài chính nói gì? |
Rào cản trong truy thu thuế
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2023, Tổng cục đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc thu thuế qua Cổng thông tin điện tử đối với nhà cung cấp nước ngoài.
Cụ thể, tính tới cuối năm 2023, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó, 32 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký nộp thuế mới đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sỹ... Các ông lớn như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, Nitendo đều đã nộp thuế trực tiếp qua cổng thông tin điện tử này.
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu là khoảng 97.000 tỷ đồng |
Tổng cục Thuế cho biết, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp năm 2023 là 8.096 tỷ đồng, trong đó có 6.896 tỷ đồng được khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Thông tin thêm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng và số thuế đã nộp là trên 83.000 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu là khoảng 97.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua đã có 31.570 đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân bị thanh tra và xử lý vi phạm. Trong đó, đã xử lý vi phạm 22.159 đối tượng và số thuế thu tăng thêm là gần 3.000 tỷ đồng.
Mặc dù đã có những cải cách, mô hình quản lý thuế ở Việt Nam hiện đang dần “chậm nhịp” trước các hình thức kinh doanh mới trong xu hướng chuyển đổi số, nhất là trong quản lý thuế thương mại điện tử, dẫn đến nguy cơ thất thu thuế.
Theo số liệu tại Sách Trắng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến đạt 21,3 tỷ USD năm 2023 và 57 tỷ USD năm 2025. Hiện khoảng 60% dân số tham gia mua sắm, tương đương 57 - 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Từ thực tiễn này chỉ ra, lĩnh vực này vẫn chưa được thu đúng, thu đủ.
Thông tin về những thách thức trong quản lý hoạt động thu thuế trên nền tảng thương mại điện tử hiện nay, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những nguyên nhân do thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới không có văn phòng đại diện hay đại diện pháp lý tại Việt Nam, do đó việc yêu cầu họ tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam đang còn gặp nhiều trở ngại.
“Quản lý thương mại điện tử là vấn đề khó không chỉ Bộ Công Thương mà với các cơ quan quản lý nhà nước khác như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an. Qua thông tin trao đổi với Bộ Tài chính, nhiều đối tượng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cũng chưa kê khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế (ví dụ trường hợp của Agoda, Booking)” - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.
Trên thực tế, cơ quan thuế các địa phương gặp khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và kiểm soát dòng tiền.
Quyết liệt truy thu thuế qua livestream bán hàng
Thực tế cho thấy, gần đây, một trong những phương thức kinh doanh trên nền tảng số “ăn nên làm ra” là hình thức bán hàng qua livestream trên các nền tảng như TikTok, Shopee… ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều phiên livestream được có sự xuất hiện của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm nghìn người xem với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử mới đây, "chiến thần" Võ Hà Linh cũng có phiên livestream bán hàng ghi nhận nhiều sản phẩm "cháy hàng" dù chưa kịp giới thiệu. Trên kênh TikTok của mình, Võ Hà Linh cho biết, cô không công bố doanh thu của phiên livestream với lý do "nhạy cảm". Trước đó, kênh TikTok Quyền Leo Daily cũng đã có phiên livestream kéo dài 17 tiếng đồng hồ với doanh thu được công bố là 100 tỷ đồng.
Điều này đặt ra những câu hỏi về việc quản lý chống thất thu thuế đối với những buổi livestream bán hàng này như thế nào? Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập. Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay livestream bán hàng trên mạng, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Với cá nhân, nếu phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế đối với thu nhập, được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
“Chúng tôi thực hiện quản lý thuế và thu thuế đối với hoạt động này theo Luật Thuế thu nhập cá nhân”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Nếu là hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hay livestream có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức khoán hoặc kê khai về thuế).
Thứ trưởng cho biết, thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng là hoạt động được phát sinh trong quá trình phát triển công nghệ thông tin, thời gian qua cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả các đối tượng tham gia hoạt động để hiểu rõ các quy định về thuế. Từ đó tự tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát, kiểm tra hoạt động này với đối tượng là cá nhân và hộ kinh doanh.
Theo dõi và giám sát các dòng tiền trong kinh doanh trực tuyến… luôn là những thách thức mới đối với cơ quan thuế cũng như cơ chế, công tác phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực. Ảnh minh hoạ |
Chia sẻ về giải pháp, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đúng đối tượng nộp thuế, kiểm soát hết giao dịch kinh doanh thương mại điện tử, theo dõi và giám sát các dòng tiền trong kinh doanh trực tuyến… luôn là những thách thức mới đối với cơ quan thuế cũng như cơ chế, công tác phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực đòi hỏi cần phải có sự chặt chẽ, đồng bộ hơn để tạo cơ sở dữ liệu dùng chung.
Trước hết, về hành lang pháp lý, cần sớm sửa đổi quy định không miễn thuế khâu nhập khẩu đối với giao dịch nhập khẩu giá trị thấp hơn 1 triệu đồng/ngày; sửa đổi điều khoản cơ sở tính thuế phù hợp với điều kiện kinh tế số; sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; quy định trách nhiệm khấu trừ tại nguồn của sàn giao dịch thương mại điện tử trong trường hợp sàn giao dịch thương mại điện tử là sàn cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc trực tiếp tham gia vào khâu giao nhận hàng hóa.
Về quản lý thuế, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát công nghệ; phát triển công nghệ tự tính thuế theo thời gian thực phát sinh giao dịch; sớm xây dựng và vận hành Trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao và cơ quan đầu mối phụ trách; phát triển hệ thống dò tìm tự động các giao dịch đáng ngờ; xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử và cần thiết thành lập cấp phòng/đội chuyên quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, theo luật sư Tiền, để "triệu tiêu" thất thu thuế, cần gắn trách nhiệm mỗi người dân khi mua hàng hoá cần thực hiện nghĩa vụ lấy hoá đơn. Khi mua hàng, lấy hóa đơn là việc làm rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại; đồng thời tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần vào sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch của toàn xã hội, tránh thất thu ngân sách nhà nước và để các ngành nghề kinh doanh phát triển minh bạch, lành mạnh.