TP.Hồ Chí Minh ''chốt'' sử dụng bảng giá đất cũ tính thuế cho 9.000 hồ sơ bị treo
Infographic | Bộ Tài chính: Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết năm 2025 Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh kiến nghị điều chỉnh bảng giá đất, tháo gỡ khó khăn cho người dân |
Ngày 21/9, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương liên quan về việc tạm thời sử dụng bảng giá đất cũ để giải quyết các nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trên địa bàn thành phố.
Quyết định này được đưa ra sau khi xem xét báo cáo của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với ý kiến thống nhất tại cuộc họp của UBND thành phố.
Nguyên nhân của quyết định này là do TP. Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện việc ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND, tức là bảng giá đất mới theo Luật Đất đai năm 2024.
Trong thời gian chưa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024, TP. Hồ Chí Minh vẫn chấp thuận sử dụng bảng giá đất cũ để tính thuế. Ảnh: ND |
Để đảm bảo việc giải quyết các hồ sơ đất đai không bị gián đoạn, trong thời gian thành phố chưa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND thành phố quy định Bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024, thành phố vẫn chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất cũ (bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013) như đã thực hiện trước ngày 1/8/2024.
Việc áp dụng này được thực hiện để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1/8/2024 cho đến khi ban hành quyết định mới.
UBND thành phố giao Cục Thuế thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8/2024 theo quy định pháp luật. Trong đó, điển hình là việc tính thu nghĩa vụ tài chính, thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất...
Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thông tin để Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông. Trong đó, nêu rõ các nội dung liên quan đến việc xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 và việc thực hiện tài chính, thuế về đất đai từ ngày 1/8/2024 cho đến khi ban hành quyết định mới.
Việc làm rõ quy định này nhằm đảm bảo tính liên tục trong công việc, tránh tình trạng gián đoạn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng và thuận tiện. Áp dụng một quy định chung cho tất cả các trường hợp để đảm bảo tính công bằng.
Cuối tháng 7/2024, thông tin TP. Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng bảng giá đất mới với mức tăng đáng kể đã khiến dư luận xôn xao. Mặc dù nhiều người dân đồng tình với việc điều chỉnh giá đất để sát với thị trường, nhưng cũng không ít người lo ngại về những tác động tiêu cực, đặc biệt là chi phí tăng cao khi chuyển mục đích sử dụng đất. Trước thông tin này, người dân đã ồ ạt đến các văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8/2024, khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định 103 có hiệu lực, hàng nghìn hồ sơ thuế đất đã bị "ngâm" tại các chi cục thuế. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các cơ quan thuế chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính thuế mới. Việc điều chỉnh bảng giá đất đã tạo ra nhiều vấn đề phức tạp trong việc tính toán các loại thuế liên quan đến đất đai như thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,... Theo số liệu thống kê của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/8 đến 27/8, đã có tổng cộng 8.808 hồ sơ đất đai được tiếp nhận. Tuy nhiên, hầu hết các hồ sơ này đều chưa được giải quyết. Trước tình hình trên, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố họp khẩn để thống nhất cách tính thuế mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đất đai đã gây ra nhiều bất tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều người đã phải chờ đợi rất lâu để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. |