TP. Thủ Đức đề xuất đầu tư gần nửa tỷ USD để thoát khỏi “điểm nóng mưa ngập”
Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình số 380/TTr-BHTĐT gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư Dự án Quản lý rủi ro ngập lụt tại TP. Thủ Đức. Dự án không chỉ giảm nguy cơ ngập lụt trong khu vực lõi đô thị TP. Thủ Đức mà còn cải thiện vệ sinh môi trường.
Mưa ngập tại TP. Thủ Đức khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Ảnh: VnExpress |
Để đạt được các mục tiêu giảm ngập lụt, Dự án sẽ xây dựng và cải tạo các đê, cống, trạm bơm thoát nước mưa và trữ nước lũ thông qua việc xây dựng các hồ điều tiết.
Đồng thời, xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước mưa, thu gom nước thải. Dự án cũng sẽ xây dựng một nhà máy xử lý nước thải với công suất 130.000 m3/ngày đêm để xử lý nước thải ở TP. Thủ Đức và nước thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực kênh Ba Bò.
Tổng vốn đầu tư của Dự án là 9.933 tỷ đồng, tương đương 430 triệu USD, trong đó đề xuất vay Ngân hàng Thế giới (WB) 8.085 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD) để xây dựng các hạng mục công trình, còn lại là vốn đối ứng của TP. Hồ Chí Minh để giải phóng mặt bằng.
Về tiến độ thực hiện, dự kiến công tác chuẩn bị dự án từ năm 2024 - 2025, đầu tư xây dựng dự án từ năm 2026-2030. Hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào sử dụng sau năm 2030.
Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 360.000 người đang sinh sống tại khu vực Gò Dưa hiện hữu và 1,5 triệu người dân khác sinh sống tại TP. Thủ Đức.
Liên quan đến dự án này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất đưa dự án này vào danh mục vận động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) để triển khai trong thời gian tới.
Một số tuyến đường thường xuyên bị ngập tại TP. Thủ Đức gồm: Đường Kha Vạn Cân, đường Gò Dưa, đường Dương Văn Cấm, đường Đặng Thị Rành... Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, các khu vực trên bị ngập do hệ thống cống đã cũ, nhỏ hẹp, trong khi nhiều tuyến độ dốc lớn, địa hình trũng thấp so với khu vực xung quanh. Điều này dẫn đến khi mưa lớn, nước từ nhiều nơi dồn về gây quá tải hệ thống cống. Cùng với đó, quy hoạch thoát nước ở thành phố chưa bài bản, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xả rác... làm tắc dòng chảy lại rất phổ biến. Điều này khiến ngay cả những nơi có địa hình cao như Thủ Đức vẫn thường xuyên ngập. Các biện pháp đã được triển khai như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét để khơi thông dòng chảy vẫn chưa hiệu quả. |