Tổng thống Putin ký luật rút Nga khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân
Tổng thống Putin đánh giá kinh tế Nga chuyển biến tích cực Tổng thống Putin: Kinh tế Nga bước sang giai đoạn tăng trưởng Tổng thống Putin yêu cầu chính phủ ổn định giá nhiên liệu bán lẻ |
Chia sẻ về quyết định đảo ngược Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) ngày 2/11, Tổng thống Vladimir Putin cho biết động thái này hoàn toàn phù hợp với những hành động của Mỹ.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, Moskva sẽ không nối lại hoạt động thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ cũng làm như vậy. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc đảo ngược hiệp ước không làm thay đổi vị trí lực lượng hạt nhân của Nga và không ảnh hưởng tới việc nước này chia sẻ thông tin về các hoạt động hạt nhân của mình.
CTBT đã được ký vào năm 1996 bởi cả Nga và Mỹ. Theo Reuters, dù Mỹ đã ký vào CTBT nhưng chưa từng phê chuẩn hiệp ước này. Tổng thống Putin trước đây từng nói rằng ông cũng muốn Nga - nước đã ký và phê chuẩn hiệp ước, có cùng lập trường với Mỹ về hiệp ước này.
Sau động thái mới của ông chủ Điện Kremlin, một số chuyên gia kiểm soát vũ khí phương Tây lo ngại Nga có thể đang hướng tới cuộc thử nghiệm hạt nhân trong bối cảnh xung đột tiếp diễn ở Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Nga đã bác bỏ dự đoán này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 5/10, Tổng thống Putin từng úp mở về khả năng Nga tiếp tục thử nghiệm hạt nhân sau khi một số chuyên gia an ninh và nhà lập pháp nước này kêu gọi thử bom hạt nhân để gửi thông điệp cảnh báo tới phương Tây.
Cũng trong năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua luật đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington, vào hôm 28/2. Thời điểm trên, Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moskva.
Lên tiếng về quyết định này, Moskva cho biết phải đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ vì Washington đang sử dụng hiệp ước này để giúp Ukraine tấn công địa điểm chiến lược của Nga.
Được biết, New START được ký kết năm 2010 dưới thời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiệp ước có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Thỏa thuận này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga vào năm 2018.