Tỉnh Sơn La đẩy mạnh xuất khẩu thanh long ra nước ngoài
Xuất khẩu thanh long, chuối, sầu riêng hướng mốc 2 tỷ USD Xuất khẩu thanh long dự báo sẽ khởi sắc |
Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, với nhiều ưu đãi về đất đai, khí hậu rất phù hợp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Đặc biệt, với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đúng đắn của tỉnh Sơn La, cùng sự chủ động của người dân trong việc trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, địa phương đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu; trong đó, có trái thanh long.
Một vườn thanh long trồng ở tỉnh miền núi Sơn La. (Nguồn: TTXVN phát) |
Vốn là loại quả nổi tiếng ở vùng Nam Bộ, được đưa về trồng tại Sơn La từ năm 2010, nhờ có điều kiện tự nhiên thích hợp, cùng với sự canh tác của người dân, trái thanh long đã trở thành một sản vật có chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Năm 2016, gia đình ông Đỗ Danh Nhất, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ.
Năm nay là năm thứ ba liên tiếp diện tích hơn 0,5 ha thanh long của gia đình ông cho quả ngọt, với dự kiến trên 50 tấn.
Ông Đỗ Danh Nhất chia sẻ trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô nhưng cho thu nhập thấp. Do đó, năm 2016, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột đỏ và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng hiện có trên 200 ha thanh long, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 3.000 tấn. Sản phẩm quả thanh long ruột đỏ của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang các thị trường như Nga, Pháp.
Điều này khẳng định chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La đã đi đúng hướng, đồng thời đó là tín hiệu vui với người nông dân. Nó mở ra tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của tỉnh Sơn La đến những thị trường khó tính trên thế giới.
Một vườn thanh long trồng ở tỉnh miền núi Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát) |
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết để quả thanh long đủ điều kiện xuất khẩu, đơn vị đã tuyên truyền các thành viên kiểm soát toàn bộ quy trình, từ khâu chăm bón đến cắt tỉa cành để tạo nên sản phẩm tốt, an toàn; đồng thời, lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm.
Quả thanh long của Hợp tác xã xuất khẩu sang thị trường các nước luôn đảm bảo các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng và được kiểm dịch thực vật, mẫu mã đẹp, đồng đều.
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương trong tỉnh Sơn La nói chung, huyện Mai Sơn nói riêng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao; trong đó, có cây thanh long.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có khoảng trên 100ha trồng thanh long; trong đó, hơn 50ha đã cho thu hoạch. Mai Sơn đang là huyện đứng đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh Sơn La.
Các hộ trồng thanh long tại đây đã và đang chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP. Do đó, sản phẩm thanh long đạt chất lượng tốt và mang lại thu nhập cao.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, thông tin hiện nay trong các loại cây trồng chủ lực của địa phương thì có thanh long. Nó cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho người dân. Đồng thời, thanh long là một trong những trái cây xuất khẩu chủ đạo của huyện.
Không chỉ huyện Mai Sơn, nhiều địa phương khác của tỉnh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trồng các cây mang lại giá trị kinh tế cao; trong đó, có cây thanh long.
Tại huyện Thuận Châu, những thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận đang tất bật chăm sóc những thanh long để chuẩn bị cho lứa thu hoạch đầu tiên. Nhờ chuyển đổi từ đất trồng ngô, sắn cho giá trị thấp sang trồng thanh long, không ít hộ dân ở đây đã ổn định đời sống kinh tế.
Bà Hoàng Thị Thảo, Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận, cho hay sau khi các thành viên được đi thăm quan, học tập mô mình trồng thanh long ruột đỏ ở Mai Sơn, chúng tôi về đã chuyển đổi cây trồng và thấy cây thanh long phát triển tốt, cho trái ngọt. Hợp tác xã hiện đang trồng 13ha thanh long.
Thanh long giờ đây đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp các hộ dân Sơn La phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Hiện nay, tỉnh Sơn La 300ha thanh long trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, với sản lượng trung bình đạt 5.000 tấn/năm.
Sản phẩm thanh long Sơn La đã khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Đây chính là động lực để Sơn La tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay./.