Tin nhắn rác, cuộc gọi rác và rác nhà mạng
Lần đầu tiên đưa ra định nghĩa mới về tin nhắn rác, cuộc gọi rác Tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn làm phiền khách hàng |
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt yêu cầu các nhà mạng di động lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone đi đầu trong việc ngặn chặn sim rác, tin nhắn và cuộc gọi rác. Mà cụ thể hóa bằng việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, buộc các số điện thoại đã và đang sử dụng về dạng chính chủ.
Điều này nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục…
Sau quá trình chuẩn hóa thuê bao, các tin nhắn, cuộc gọi rác có phần thuyên giảm. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tại một hội nghị cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, lĩnh vực viễn thông còn một số tồn tại như còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều sim; cuộc gọi rác vẫn nhiều, khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo mỗi tháng.
Vì sao lại như vậy? Trên thực tế, sim rác không tự sinh ra và đương nhiên cũng không thể tự biến mất. Ai tạo ra sim rác, ai cho phép một nhóm lợi ích vô tư buôn bán sim rác công khai tại các cửa hàng cũng như trên các nền tảng mảng xã hội? Câu trả lời chính là từ cơ chế phát hành sim từ các nhà mạng. Nếu như các nhà mạng không ồ ạt phát hành sim, tạo cơ chế mở hòa mạng sim thì làm gì có sim rác, tin nhắn rác?
Phải nhìn thẳng vào sự thật, bản thân chính các nhà mạng hiện nay cũng từng ngày, từng giờ vô tư “xả” tin nhắn rác dưới dạng tin nhắn mời chào khuyến mại, quảng cáo tới khách hàng.
Ngay khi đang viết những dòng này, điện thoại của tôi cũng vang lên âm báo ting ting của tin nhắn từ Tổng đài Internet của Viettel với nội dung: “Tặng ngay Modem Wifi 2 băng tần cùng 1 – 2 tháng cước khi đăng ký dịch vụ mới…”.
Điều đáng nói, nhà mạng liên tục gửi tin nhắn mời chào khuyến mại một cách dày đặc với cùng nội dung.
Không chỉ một Tổng đài Internet, nhà mạng này còn dùng gần chục đầu số tổng đài khác nhau để “tra tấn” khách hàng. Điển hình như chăm sóc khách hàng, plus, quảng cáo, mall, my Viettel, TV360, Viettel 4G…
Trên tất cả các dòng điện thoại thông minh hiện nay đều có tính năng “chặn” cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại bất kỳ. Tuy nhiên, tính năng này lại được mặc định không thể sử dụng với các đầu số dịch vụ, khuyến mại đến từ các nhà mạng.
Vậy, người tiêu dùng cần làm gì để bớt cảm thấy phiền toái khi liên tục bị các nhà mạng spam tin nhắn khuyến mại.
Câu trả lời là nếu vẫn còn những kẽ hở về sim điện thoại thì chấp nhận hoặc cực đoan hơn là không dùng mạng điện thoại di động.
Trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông và cả xã hội tích cực vào cuộc phản ánh, ngăn chặn tình trạng sim rác, tin nhắn rác, thì dường như, các nhà mạng lại đang tận dụng cơ hội để “xả” rác.
Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các nhà mạng hiện nay đang ở đâu? Nên chăng, cơ quan quản lý viễn thông là Bộ Thông tin và Truyền thông cần có động thái chấn chỉnh chính các nhà mạng với vấn nạn này!