Doanh nghiệp công nghệ thông tin
Tiên phong nghiên cứu và phát triển công nghệ 4.0
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức Lễ vinh danh và trao chứng nhận cho “50+10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2019”. Đồng thời, công bố Ấn phẩm đặc biệt giới thiệu các DN này. Theo số liệu thống kê từ Ban tổ chức chương trình, năm nay các DN đăng ký vào nhóm các DN có năng lực 4.0 chiếm trên 1/3 tổng số DN tham gia. Qua việc thẩm định các DN đề cử trong nhóm này, các đoàn chuyên gia cũng ghi nhận các DN hiện nay đều có nhận thức rất rõ việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số này để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và thời gian, tăng doanh thu cho DN. Nhiều đơn vị đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…
Doanh thu toàn ngành CNTT năm 2018 đạt 98,7 tỷ USD |
Có thể thấy, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu, sự phát triển của các công nghệ mới như AI, blockchain, IoT… sẽ mang lại những bước tiến nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, mang đến những mô hình kinh doanh mới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics, giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn. Trong dòng chảy chung đó, Chương trình “50+10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2019” là một trong những nỗ lực của VINASA, nhằm lựa chọn, giới thiệu các DN CNTT có năng lực, có uy tín tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả xây dựng, quảng bá hình ảnh, kết nối hợp tác cho các DN cả trong nước và quốc tế.
Trong top “50+10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam” này, có thể kể đến, Công ty Cổ phần VNEXT Software, là công ty tư vấn phát triển các hệ thống web, AI, blockchain hàng đầu trên thị trường. Đặc biệt, VNEXT đang đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ ứng dụng AI trong các lĩnh vực data mining (khai thác dữ liệu), NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy), OCR (công nghệ nhận dạng chữ in), nhận diện và xử lý âm thanh…
Các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo của VNEXT như AIGIZI, chatbot đa chức năng… giúp giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất, vận hành, nhân công, tăng lượng khách hàng tiềm năng, nâng cao thương hiệu dịch vụ. Nhờ những thế mạnh này, VNEXT có thể đáp ứng sâu rộng, thậm chí có thể tạo xu thế phát triển các kỹ thuật về AI cũng như các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào tất cả các lĩnh vực, các ngành, nghề như thương mại điện tử, chế tạo, thực phẩm, bán lẻ, tín dụng, y tế…
Hay, Công ty Cổ phần DMSPRO ra đời năm 2011, với sứ mệnh cung cấp cho khách hàng giải pháp hiệu quả nhất để tiếp cận và phân phối hàng hoá của họ đến tay người tiêu dùng tại mọi ngóc ngách của châu Á. DMSPRO là đơn vị tiên phong sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong quản lý hệ thống phân phối (DMS). Hiện tại, DMSPRO đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI, machine learning, IoT vào các sản phẩm, giải pháp của mình. Những giải pháp này sẽ giúp DN nâng cao hiệu suất phân phối hàng hoá trong thời đại công nghệ 4.0.
Một ví dụ khác là Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm Kaopiz, được thành lập năm 2014 và hiện có hơn 150 kỹ sư phần mềm. Trong khi đa số các DN gia công xuất khẩu phần mềm khác thường nhấn mạnh vào lợi thế giá thành, thì Kaopiz lấy điểm nhấn là tốc độ và chất lượng sản phẩm. Dịch vụ gia công phần mềm tại Kaopiz đã được cấp chứng chỉ ISO 9001 về quản lý chất lượng và ISO 27001 về quản lý an ninh thông tin từ năm 2017. Đặc biệt, đã thực hiện giao dịch với hơn 40 DN Nhật Bản. Kaopiz đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ nhận dạng ảnh với AI để ứng dụng vào các dự án phần mềm tự động hoá tại Nhật Bản.
Còn Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Phần mềm LARION tự hào là lựa chọn số 1 Việt Nam về dịch vụ chuẩn hóa dữ liệu; hiện đang giúp khách hàng rất lớn về y tế ở Hoa Kỳ tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm. Đồng thời, cũng là lựa chọn số 1 về giải pháp giao dịch chứng khoán tự động tại hơn 30 sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu trên thế giới, với tỷ lệ giao dịch thành công lên đến 85%. Sau gần 16 năm thành lập và phát triển, công ty đã và đang phục vụ khách hàng ở hơn 15 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản...
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi số Quốc gia (dự kiến sẽ ban hành cuối năm 2019), trong đó nêu rõ các giai đoạn chuyển đổi số cho Việt Nam từ nay đến năm 2030 gồm: Giai đoạn 1 (2019-2020): Triển khai việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới. Giai đoạn 2 (2021 - 2025): Nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế bằng cách triển khai các hệ sinh thái số tích hợp mới, hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng. Giai đoạn 3 (2026-2030): Tiến tới nền kinh tế-xã hội số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh chung ấy, các DN CNTT Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những giải pháp và mục tiêu đó, nhất là khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình “50+10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2019” là sự hưởng ứng thiết thực lời hiệu triệu các DN Việt Nam dấn thân mạnh mẽ hơn trong hành trình chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Tổng thư ký VINASA: Qua chương trình “50+10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2019”, với những nỗ lực và cải tiến qua các năm, Ban tổ chức mong muốn góp phần tích cực vào việc định hướng phát triển cho các DN với tinh thần “đi đầu, làm lớn” để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. |