Thị trường bảo hiểm thêm cơ hội bứt phá
Ảnh Internet
Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm tăng hơn 21% so với năm 2014, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.636 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP. Trong đó, doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 13.612 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 68.024 tỷ đồng. Các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 152.543 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2010 và tăng 14% so với năm 2014. Tính đến tháng 10/2015, có 6.230 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm phát hành thành công cho các DN bảo hiểm nhân thọ. Các DN bảo hiểm đã bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 21.160 tỷ đồng, trong đó khối phi nhân thọ ước khoảng 13.177 tỷ đồng, khối nhân thọ ước khoảng 7.983 tỷ đồng.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết: Không chỉ có mức tăng trưởng doanh thu cao mà năng lực tài chính của các DN bảo hiểm cũng ngày càng vững vàng hơn. Giá trị tổng tài sản cuối năm 2015 ước đạt 201.132 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tổng tài sản của các DN bảo hiểm phi nhân thọ là 69.473 tỷ đồng, tổng tài sản của các DN bảo hiểm nhân thọ là 131.659 tỷ đồng.
Theo đánh giá của DN bảo hiểm, năm 2016, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Nhiều DN đã đặt mục tiêu tăng trưởng của năm nay từ 6-15% tùy theo quy mô hoạt động. Đơn cử như Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, năm 2016, DN đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.306 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc là 6.932 tỷ đồng.
Giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc ngân hàng cho rằng: 2016 cũng sẽ là năm khởi sắc của kênh bảo hiểm - ngân hàng với sự tham gia của nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm kết hợp với nhau trên nhiều hình thức và quy mô.
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo Minh nhận xét: Nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng được dự báo sẽ có nhiều gam màu sáng khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu biết vận dụng thì thách thức sẽ trở thành cơ hội cho tất cả các DN.
Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2016 sẽ là năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020. Vì thế, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật kinh doanh bảo hiểm; xây dựng, đề xuất các chính sách thúc đẩy DN bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc đầu tư xây dựng.
Hầu hết các DN bảo hiểm đều chia sẻ rằng, để hoàn thành mục tiêu kinh doanh thì trong năm 2016 sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc DN, triển khai mô hình kinh doanh theo định hướng quản lý tập trung trong quản lý nghiệp vụ; giải quyết bồi thường, đổi mới công tác quản trị và mô hình tổ chức góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Phùng Ngọc Khánh khẳng định: Cục sẽ tạo điều kiện hỗ trợ DN bảo hiểm phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, thúc đẩy thị trường duy trì mức độ tăng trưởng tích cực, ổn định; tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao tính an toàn của hệ thống, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các DN; Tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp phát triển thị trường nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia.
Duy Minh