Tạm hoãn xuất cảnh hơn 16,8 nghìn trường hợp vì nợ thuế
Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024, Tổng cục Thuế nhấn mạnh sự quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp quản lý và cưỡng chế nợ thuế. Đặc biệt, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã được tăng cường sử dụng để thu hồi nợ.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế và 16.859 thông báo tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi tổng số tiền 24.252 tỷ đồng. Tổng số nợ thu hồi trong 6 tháng đầu năm ước đạt 45.468 tỷ đồng, đạt 33% chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ đạt 42.756 tỷ đồng, còn thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.712 tỷ đồng.
Hơn 16.850 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế. Ảnh minh họa: Nhà ga T1 sân bay quốc tế Nội Bài/NIA |
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, tính đến 30/6/2024, tổng nợ thuế đạt 204.441 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng dự toán thu năm 2024 là 13,8%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu là 9,97%.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý về xu hướng tăng cao của nợ thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt là các khoản nợ tiền sử dụng đất và thuê đất. Để thu hồi nợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu cơ quan thuế cung cấp thông tin kịp thời để áp dụng biện pháp cưỡng chế. Theo đó, thông tin về những người nộp thuế chây ỳ sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngành thuế cũng được chỉ đạo tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân và người đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trong trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Trên thực tế, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh đã được các cơ quan thuế và hải quan áp dụng ngày càng nhiều trong thời gian qua. Đây là công cụ hiệu quả để thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.
Theo một số chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính của tình trạng nợ thuế gia tăng là do kinh tế chưa khởi sắc, doanh nghiệp gặp khó khăn, tài sản đã thế chấp ở ngân hàng khiến việc cưỡng chế thu hồi gặp trở ngại. Trong khi đó, một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng khoản nợ khó thu hồi.