Savina (VNB): Doanh nghiệp sách giữ nhiều khu "đất vàng" sát Hồ Gươm, được cổ đông "máu mặt" góp vốn "khủng"
SCIC muốn thoái toàn bộ vốn tại Vinacontrol SCIC muốn tăng tỷ trọng tại Vinamilk, dự chi 35 tỷ đồng MBBank phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu giá mềm cho Viettel và SCIC |
Tháng 4 tới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức đấu giá toàn bộ 6,79 triệu cổ phiếu VNB, tương đương 10% vốn của Công ty Cổ phần Sách Việt Nam (Savina).
Đây là doanh nghiệp có tên trong lộ trình thoái vốn đợt 1 năm 2024 của SCIC bên cạnh 9 cái tên không xa lạ trên sàn chứng khoán khác như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (SEA), Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIW)...
Savina là đơn vị nắm giữ nhiều lô "đất vàng" gần Hồ Gươm |
Giá khởi điểm là 15.700 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa với việc SCIC dự tính thu về tối thiểu 106,6 tỷ đồng từ thương vụ thoái sạch vốn này. So với giá thị trường của VNB thời điểm hiện tại là 12.100 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 11/3), mức giá SCIC đưa ra đang cao hơn khoảng 13%.
Thông tin nhà nước rút khỏi danh sách cổ đông của Savina hỗ trợ đà tăng mạnh cho cổ phiếu này. Kể từ đầu tháng 3 tới nay, cổ phiếu VNB đã có thêm hơn 32% giá trị, bứt phá khỏi chuỗi ngày "dập dìu" quanh ngưỡng 10.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản theo đó cũng tăng vọt chỉ từ chỉ vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên lên cả trăm nghìn đến cả triệu đơn vị.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Sách Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ những năm 1950, trải qua hơn 70 năm hoạt động với nhiều giai đoạn phát triển và các tên gọi khác nhau. Tiền thân của công ty là Sở Phát hành sách Trung ương, được tách ra từ Nhà in Quốc gia từ năm 1956, sau đó đổi tên thành Quốc doanh Phát hành sách Trung ương năm 1960 và hợp nhất với Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo để thành lập Tổng công ty Phát hành sách năm 1978.
Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 4/2016, Savina chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM sau đó 3 tháng. Công ty hiện có vốn điều lệ 679 tỷ đồng tương đương 67,9 triệu cổ phiếu lưu hành.
Đáng chú ý, trước khi IPO vào năm 2016, Savina đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC), chọn Vingroup làm nhà đầu tư chiến lược trong đợt chào bán hơn 44 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Giao dịch trên được thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp. Với mức giá khởi điểm để đàm phán là 10.700 đồng/cổ phần, Vingroup đã phải chi ít nhất khoảng 472 tỷ đồng để trở thành công ty mẹ của Savina. Đến nay, Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu đó tại Savina.
Việc cùng lúc được hai cổ đông "máu mặt" góp vốn "khủng" cho thấy tiềm lực của Savina không phải dạng vừa. Theo đó, đây là doanh nghiệp đang thuê và quản lý nhiều khu đất có vị trí đắc địa trên bàn Hà Nội, bao gồm: số 44 Tràng Tiền, 50A Hàng Bài, 22A và 22B Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), số 2 Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) với tổng diện tích lên tới 14.082 m2 đất làm trụ sở làm việc và cửa hàng kinh doanh.
Trong đó, hợp đồng thuê nhà, thuê đất tại các lô đất và tài sản trên đất tại số 22A và 22B Hai Bà Trưng, số 50A Hàng Bài (Hà Nội) tính tới cuối năm 2023 đã hết hạn và đang được Savina thực hiện gia hạn với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Với 2 khu đất tại huyện Đông Anh và phố Chùa Hà (Hà Nội), doanh nghiệp được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao trước đó và được tiếp tục sử dụng cho hoạt động sản kinh doanh theo chủ trương cổ phần hoá của Nhà nước.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Savina ghi nhận doanh thu thuần hơn 34 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với năm 2022. Song, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp gần 3 lần doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 58% so với cùng kỳ, đạt hơn 99 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi cho vay.
Việc ghi nhận nguồn thu lớn từ lãi cho vay đến từ việc Savina đã dành hơn 827 tỷ đồng cho 1 số doanh nghiệp vay với thời hạn 1 năm, lãi suất từ 11-12%/năm. Savina báo lãi sau thuế năm 2023 đạt 69 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2022.