Sẵn sàng cho xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc
Xuất khẩu tổ yến chờ ngày chinh phục thị trường hàng tỷ USD Những thách thức xuất khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực từ ngày 9/11/2022. Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo nhiều việc làm cho người dân các địa phương.
Triển khai Nghị định thư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hội nghị, văn bản tổ chức thực hiện, lấy ý kiến góp ý ở địa phương. Cùng với đó, Cục Thú y đã đàm phán, thống nhất nội dung và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể các nội dung về kỹ thuật; giám sát, chứng minh các sản phẩm tổ yến bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Cục Thú y cũng hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu, khai báo trên Hệ thống trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua. Năm 2017 với tổng số trên 8.300 nhà yến, đến năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh như Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1 - 6 tỷ đồng/nhà yến như ở Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc quản lý nuôi chim yến, giám sát, đánh giá, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu còn gặp khó khăn.
Trong khi đó, thực hiện Luật Chăn nuôi, UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này, người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi chim yến. Bên cạnh đó, việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến nhiều tỉnh thành chưa cập nhật, các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, nên khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.
Với sản lượng yến hiện nay khoảng 200 tấn/năm đem lại giá trị kinh tế rất cao với trị giá khoảng 200 triệu USD/năm, vượt qua nhiều ngành kinh tế tiềm năng, đặc hữu thị trường thế giới. Đây là ngành nghề mới nhưng rất triển vọng và có thế mạnh đối với thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, ngành sản xuất yến có vai trò quan trọng và giúp cho hàng trăm nghìn lao động địa phương có việc làm.
Giới doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến đánh giá: Tổng doanh thu tổ yến trên thế giới trong năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm trên 80% (trên 8 tỷ USD). Tổ yến Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch và chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường này.
Vì vậy, việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp ngành yến mong muốn có thể xuất khẩu chính ngạch những lô hàng tổ yến sang Trung Quốc ngay trong năm nay.