Quyết liệt kiểm soát áp dụng hoá đơn điện tử trong kinh doanh vàng
'Siết' sử dụng hoá đơn điện tử chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Thanh tra 6 đơn vị kinh doanh vàng, tăng lãi suất qua kênh cầm cố |
Tăng cường thanh tra, giám sát
Để minh bạch thị trường vàng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 15/6 nếu đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã quyết liệt triển khai. Theo đó, 100% cơ sở kinh doanh vàng trên toàn quốc đã cam kết thực hiện đúng yêu cầu.
Thông tin về công tác triển khai thực hiện hoá đơn điện tử tại các cơ sở kinh doanh vàng tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết: Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh vàng, 100% các doanh nghiệp (9.419 doanh nghiệp) đã áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 15/6 nếu đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép |
Trong đó có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp hợp đồng điện tử khởi tạo từ môi trường thuế với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc triệt để thực hiện hoá đơn điện tử trong giao dịch vàng sẽ giúp thị trường vàng được minh bạch. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là vai trò thanh kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động này rất quan trọng.
"Để thị trường vàng ổn định và minh bạch, một mặt, cần tiếp tục hỗ trợ cho cung cầu vàng, làm sao đảm bảo được những người mà có nhu cầu mua vàng được mua vàng. Đồng thời, phải quản lý thị trường này bằng cách giao dịch vàng là phải hóa đơn, chứng từ, phải tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, chống đầu cơ lũng đoạn vàng" - ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, người tiêu dùng khi có hóa đơn điện tử sẽ được đảm bảo tối đa quyền lợi của mình. Khi người dân bán lại vàng có hóa đơn điện tử sẽ giúp chứng minh nguồn gốc của sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người mua.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, theo Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022. Xăng dầu, một lĩnh vực tương đối khó, cũng đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử. Trong khi đó, kinh doanh vàng rất đặc thù cần phải quyết liệt triển khai.
"Để quản lý thị trường vàng một cách công khai, minh bạch thì việc xuất hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế là điều bắt buộc. Khi tất cả đều phải xuất hóa đơn thì khối lượng giao dịch, lượng mua - bán sẽ được đong đếm chính xác, cơ quan quản lý nhà nước cũng có đủ thông tin để quản lý, đưa ra những chính sách phù hợp để điều tiết thị trường vàng" - luật sư Tiền nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc xuất hóa đơn điện tử không quá tốn kém và khó khăn như nhiều doanh nghiệp từng chia sẻ. Nếu như chúng ta không kiên quyết và không biết cách tổ chức thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ lần lữa không chịu làm. Chúng ta đang không quyết liệt, từ đó tạo ra tính chây ì về việc xuất hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp.
Ở phía người dân, hiện nay nhiều người vẫn chưa có thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng, trong đó có mua vàng. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu muốn hình thành thói quen, các cơ quan ban ngành có thể triển khai các biện pháp khuyến khích người dân, chẳng hạn như giảm trừ với những người lấy hóa đơn điện tử.
Hướng tới giao dịch vàng không tiền mặt
Bên cạnh việc thực hiện hoá đơn điện tử trong kinh doanh vàng, nhiều đề xuất cho rằng, nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, cần thực hiện giao dịch vàng không tiền mặt. Cụ thể, vừa qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Chia sẻ về vấn đề này với Báo Công Thương, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho hay, chúng ta đã có Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu rất cụ thể.
Trong đề án giai đoạn 2025-2030, hoàn toàn có thể đặt mục tiêu cấm giao dịch vàng và một số hàng hoá có tính chất nhạy cảm bằng tiền mặt. Quan trọng là người dân và thị trường phải nắm được thông tin và lộ trình thực hiện, để họ tự xây dựng những kỳ vọng hợp lý, tránh việc đưa ra quy định rồi áp dụng ngay hoặc đưa ra đề xuất kiểu mập mờ, khiến dư luận và thị trường phản ứng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh: Việt Nam muốn phát triển kinh tế số, tất yếu phải được thực hiện trên nền tảng giao dịch số, nghĩa là giao dịch không tiền mặt.
Một giải pháp quan trọng là việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành đồng tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương CBDC (Central bank digital currency). Đồng tiền kỹ thuật số này phải có tính bảo mật cao, có khả năng kết nối và thanh toán xuyên biên giới, có khả năng chuyển đổi sang các đồng tiền khác. Chỉ như vậy, đồng tiền kỹ thuật số của Việt Nam mới có thể trở thành một đồng tiền mạnh trong khu vực.
Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước phát triển trên thế giới đã và đang nghiên cứu, hợp thức hoá việc sử dụng đồng tiền điện tử quốc gia. Việt Nam nên có những bước đi dài và chắc chắn để tham gia vào xu hướng này. Chúng ta có thể đưa ra lộ trình cụ thể, có thể là 5-6 năm để xây dựng, sử dụng phổ biến đồng tiền điện tử của Việt Nam trong phạm vi các nước Đông Nam Á.