Quyết liệt đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công
Việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành địa phương được coi là một trong những giải pháp trọng tâm trong điều hành và được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay còn khá ì ạch.
Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, mới có 274.501 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) cũng như thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.
Trước tình hình này ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Bản chỉ thị của Thủ tướng đã nhấn mạnh 5 quyết tâm trong thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và các phát sinh trên thực tế làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Vốn đầu tư công cần tập trung cho các dự án mang tính lan toả. Ảnh minh hoạ. |
Liên quan đến các giải pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ.
Đồng thời tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với 34 bộ, cơ quan và 23 địa phương có mức giải ngân dưới mức bình quân của cả nước.
“Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan và địa phương”, nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh.
Nói về những bài học kinh nghiệm của việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phân công nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, phê bình, kỷ luật, làm việc nào dứt việc đó.
Các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần lưu ý đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún, đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, phát huy vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là “vốn mồi” để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Tăng cường, đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, đôn đốc và tăng cường phối hợp; kiểm tra, thanh tra công vụ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thực tế cho thấy cần đổi mới phương thức đầu tư công. Thời gian qua, phân bổ vốn đầu tư công thay đổi rất lớn. Thời kỳ trước năm 2016, tổng vốn đầu tư công hàng năm rất thấp nhưng số lượng dự án rất nhiều trên 10.000 - 15.000 dự án đầu tư công. Hiện nay, số lượng dự án giảm xuống còn khoảng 5.000 mặc dù tổng mức đầu tư công tăng gấp đôi, tập trung các dự án lớn.
“Tập trung đầu tư dứt điểm các công trình mang tính chất cốt lõi, khung, tạo ra những sự thay đổi, đột phá sẽ tạo cơ hội để thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài”, ông Cường nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1006/QĐ-TTg thành lập 7 tổ công tác nhằm thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công với các nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công. |