Quản lý thị trường vàng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam
Yếu tố nào sẽ quyết định giá vàng những ngày tới? Vì sao giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh? Giá vàng "nhảy múa": Sắp có quy định mới quản lý thị trường vàng? |
Cần sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP
Chia sẻ về thực trạng thị trường vàng hiện nay, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành cách đây hơn 10 năm, trong bối cảnh thị trường vàng bất ổn, “vàng hóa” mạnh và buộc phải chống “vàng hóa”. Nhà nước phải dùng “bàn tay sắt”, kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, với giai đoạn hiện nay là hội nhập thị trường vàng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam cho nên trong Nghị định 24 xuất hiện nhiều bất cập, cần phải sửa đổi.
PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng cần sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP |
Trong đó, bất cập về nguồn cầu thì tăng, nhưng nguồn cung hạn chế dẫn đến đẩy giá vàng lên cao. Thường cuối năm là thời điểm nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, nhiều người dân đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Trong khi đó nguồn cung vàng SJC hạn chế, bởi vàng SJC không được sản xuất thêm, chỉ còn ở trong dân và doanh nghiệp. Tiếp nữa là độc quyền vàng thương hiệu SJC.
“Tại sao chỉ có một thương hiệu SJC? Trong khi đó ở các nước có rất nhiều thương hiệu”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, vấn đề trên dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.
Thêm nữa, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng hiện nay đang không khai thác được nguồn vàng trong dân, còn khoảng 500 tấn.
Chính vì vậy, phải sửa Nghị định 24/12012/NĐ-CP theo hướng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm giá vàng trong nước, đồng thời phát huy được nghề kinh doanh trang sức. Cần đánh giá tổng kết hiệu quả và những tồn tại bất cập của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, sửa đổi trong thời gian sớm nhất để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng. “Nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới”, ông Long nói.
PGS. TS Ngô Trí Long cũng mong muốn các cơ quan quản lý đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Đồng thời xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng, trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Phải rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng. Ảnh minh họa, nguồn: baokiemtoan.vn |
Lành mạnh hóa thị trường vàng
Từ cuối tháng 11/2023, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng lớn. Đỉnh điểm, ngày 26/12/2023, bất chấp thị trường đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD/ounce thì giá vàng trong nước nổi sóng trong ngày và xác lập kỷ lục 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới 20 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình đó, ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.
“Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”, Công điện nêu rõ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phải rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Tại buổi họp báo ngày 3/1/2024, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP là chống “vàng hóa” nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Dù nghị định này đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra, song vì đã ra đời cách đây 11 năm và các điều kiện kinh tế – xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa đổi chính sách là cần thiết.
“Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm quyền lợi của người dân”, ông Tú cho hay.