Phế liệu nhựa nhập khẩu: Cần có cách tiếp cận thông minh, bền vững
Biến rác thải phế thải thành tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng Những bất cập trong thu gom và xử lý rác thải tại Hà Nội Hàng loạt sai phạm tại Nhà máy Xử lý rác APT Seraphin Hải Dương |
Sáng ngày 25/1, tọa đàm “Phế liệu nhựa nhập khẩu” đã diễn ra tại Hội trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Tham dự tọa đàm “Phế liệu nhựa nhập khẩu” có sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, mạng lưới Break Free From Plastics (BFFP), Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN), ban lãnh đạo Đại học Tài nguyên và Môi trường cùng hàng trăm các bạn sinh viên.
MC giới thiệu Tọa đàm "Phế liệu nhựa nhập khẩu". Ảnh: BTC |
Sự kiện nhằm thảo luận ảnh hưởng của việc nhập khẩu phế liệu nhựa; cách tiếp cận thông minh, bền vững hơn trong việc nhập khẩu, tái chế. Đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ đối với quá trình nhập khẩu này.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc nhập khẩu rác thải nhựa.
Vì nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn còn lớn và ngày càng tăng cao nên đã gây ra nhiều hậu quả xấu, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý.
Bên cạnh đó, một số lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu thường chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất. Từ đó, làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý và xử lý chúng một cách hiệu quả.
“Việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng mặt khác thì quá trình tái chế cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính”, bà Quách Thị Xuân, trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam chia sẻ.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: BTC |
Thông thường chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường, tạo nên các núi rác nhựa khổng lồ quanh làng nghề tái chế. Không chỉ đơn thuần gây ra mùi hôi thối, khó chịu cho người dân khu vực, ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu vô cùng quan trọng, nếu không có biện pháp xử lý thích hợp có thể gây ô nhiễm môi trường vì phế liệu nhựa có chứa các hóa chất độc hại và tạo ra áp lực lớn đối với quá trình, khó đảm bảo tái chế và xử lý chúng an toàn và hiệu quả, các chuyên gia thông tin.
Sinh viên tham gia mini games tại sự kiện. Ảnh: BTC |
Việc nhập khẩu phế liệu nhựa là hợp pháp, nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đây cũng là hình thức giúp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên được Nhà nước khuyến khích.
Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận thông minh, bền vững và tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này.
Để đạt được mục tiêu này rất cần sự quan tâm và hợp tác chặt chẽ từ Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Có như vậy môi trường của chúng ta mới được bảo vệ và đảm bảo sức khỏe cộng đồng toàn cầu.