Phát triển kinh tế báo chí là để sáng tạo giá trị xã hội
Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo Nhiều hoạt động báo chí sẽ được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp? Phát triển kinh tế báo chí thời kinh tế số |
Ông Lạng nói: Khó khăn của kinh tế báo chí hiện tại là sự bùng nổ nhanh chóng của truyền thông đa phương tiện, hệ thống mạng máy tính toàn cầu, các nền tảng thông tin trực tuyến, mạng xã hội với phạm vi kết nối rộng lớn nhất có thể cho nên biên lợi nhuận sẽ rất mỏng...
Thưa chuyên gia, ông nhìn nhận thế nào về phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh hiện nay?
Kinh tế báo chí là cách tiếp cận báo chí từ góc độ kinh tế, nghĩa là phát huy vai trò, tác dụng của báo chí trong sáng tạo giá trị xã hội như tăng trưởng, việc làm, thu nhập, tăng tốc chuỗi giá trị, tăng thị phần, tăng giá trị doanh nghiệp, tăng quyền và lợi ích hợp pháp người tiêu dùng, mở rộng thị trường và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội, truyền thông chính sách.
Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí đã tiếp cận khá sát với quan niệm này và cũng tạo ra lợi ích cho xã hội, được xã hội và pháp luật thừa nhận, phát triển cùng kinh tế đất nước. Độ chuyên nghiệp của kinh tế báo chí từ góc độ kinh tế đòi hỏi cần coi trọng các chỉ số cơ bản như nguồn thu, chi, chi phí và lợi nhuận biên, điểm hòa vốn đối với báo chí thậm chí từng chuyên mục, từng mùa vụ và sự kiện.
Ảnh minh hoạ |
Đây là quá trình định vị địa vị kinh tế của báo chí nhằm tham gia hiệu quả vào quá trình bình quân hoá lợi nhuận. Nhiều tờ báo đã có cách thức tiếp cận phù hợp để vừa có thể ổn định thu nhập, vừa có triển vọng phát triển. Tuy thế, việc tính toán đóng góp của báo chí với tư cách là nguồn lực tăng trưởng vào tăng trưởng kinh tế chưa được thực hiện phù hợp từ khoa học thống kê cho nên vai trò kinh tế báo chí vẫn chưa được nhận thức đầy đủ để từ đó có thể khai thác phù hợp và phát huy triệt để.
Việc phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam hiện còn gặp những trở ngại gì, thưa ông?
Có thể nói những đóng góp của báo chí về kinh tế chưa được lượng hoá đầy đủ gây khó khăn trong nhận thức, đề xuất quan điểm, ban hành chính sách và hành động hợp lý của các tờ báo. Việc đánh giá tác động kinh tế của báo chí chưa được thực hiện đầy đủ và tổng thể cả đối với nền kinh tế, từng lĩnh vực phát triển, sức mạnh và danh tiếng doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ và giá trị kinh tế khu vực và thế giới trong từng giai đoạn phát triển.
Điểm cần quan tâm là có phương thức để báo chí tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị, tăng kết nối chủ thể, nguồn lực, hỗ trợ và đồng hành phát triển để được chia sẻ lợi ích theo nguyên tắc lợi nhuận bình quân, ít nhất đủ bù đắp chi phí và có thu thỏa đáng, bảo đảm mức tiền lương cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và bộ máy vận hành. Cần có sự hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước cả về nguồn lực, cơ chế và chế độ đãi ngộ, tôn vinh nghề nghiệp phù hợp bối cảnh mới nhất là truyền thông quan điểm, chính sách và các chủ trương, quy định.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân |
Khó khăn của kinh tế báo chí hiện tại là sự bùng nổ nhanh chóng của truyền thông đa phương tiện, hệ thống mạng máy tính toàn cầu, các nền tảng thông tin trực tuyến, mạng xã hội với phạm vi kết nối rộng lớn nhất có thể cho nên biên lợi nhuận sẽ rất mỏng, đó là chưa tính đến khả năng thay thế của trí tuệ nhân tạo (AI) do đó áp lực về thu thập, phân tích thông tin, phán đoán, dự báo tình hình để đưa ra các bình luận chính xác, tin cậy, chỗ dựa bền vững và phản biện có chiều sâu trở thành yếu tố tạo nên sự vượt trội và đột phá. Thị trường báo chí, truyền thông đang ngày càng trở nên cạnh tranh hoàn hảo và liên thông đáng kể cả trong và ngoài nước cần được coi là nền tảng cấu trúc phát triển mới.
Một vấn đề thường được đặt ra hiện nay là báo chí phát triển việc thu phí thông tin. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Để độc giả sẵn sàng “móc hầu bao” trả tiền cho báo chí, trước hết và quan trọng nhất là phải hiểu cụ thể độc giả cần thông tin gì, được xử lý và phân tích như thế nào và đáp ứng mức độ kỳ vọng của độc giả. Mỗi tờ báo hoặc chuyên mục cần hiểu độc giả cụ thể về tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, mối quan tâm. Do đó cần có kênh khảo sát ý kiến phản hồi và thường xuyên theo dõi kênh này để điều chỉnh phù hợp thậm chí đón đầu.
Việc sản xuất nội dung cần tăng tính khác biệt hoá, độc đáo cả nội dung và hình thức, nhất là vừa có chiều sâu vừa bảo đảm tính phổ biến cần thiết.
Chi phí đáp ứng nhu cầu thông tin báo chí cần được coi là chi phí thiết yếu cần được tính vào chỉ số giá tiêu dùng CPI để cải thiện vị thế, vai trò báo chí. Coi trọng hỗ trợ báo chí bằng cơ chế phát triển mới lấy động lực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo làm nền tảng hỗ trợ, tăng thêm quyền lực kinh tế của báo chí trong các khâu chuỗi giá trị doanh nghiệp và khuyến khích sự tham gia sâu của báo chí vào sáng tạo giá trị như cung cấp thông tin kịp thời, toàn diện và thúc đẩy phát triển hình ảnh và thuong hiệu doanh nghiệp cũng như các đối tượng hữu quan.
Các đơn vị báo chí cần coi trọng xây dụng mạng lưới độc giả ổn định và có cơ chế thưởng phù hợp để duy trì và giữ chân độc giả. Cần có sự phân chia lợi ích hài hòa giữa báo chí với các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng thông tin nhằm tạo quan hệ cộng sinh vững chắc để cùng phát triển. Đồng thời đào tạo và phát triển đội ngũ phóng viên chuyên sâu, chuyên nghiệp, sáng tạo và kết nối nền tảng đối tượng hữu quan để hỗ trợ lẫn nhau trong hệ sinh thái đồng bộ, đồng hành và tối ưu giá trị trong mọi hoàn cảnh.
Xin cảm ơn ông.