Nợ thuế tăng cao: Hàng nghìn người bị tạm hoãn xuất cảnh
Quyết liệt thu hồi nợ thuế Đối tượng nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế |
Nợ thuế liên tục tăng cao ngay thời điểm cuối năm khiến ngành thuế phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ, trong đó có tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế trên 90 ngày.
Nợ thuế tăng cao: Hàng nghìn người bị tạm hoãn xuất cảnh
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tính từ ngày 1/1 – 30/9, toàn ngành thuế đã thực hiện được 44.670 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 67,03% kế hoạch năm 2024 (44.670 doanhnghiệp/66.639 doanh nghiệp) và bằng 98,43% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 365.344 hồ sơ, bằng 82,44% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 46.779,18 tỷ đồng, bằng 103,78% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thuế nộp ngân sách là 7.867,2 tỷ đồng, bằng 69,06% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Thu nợ thuế trong tháng 9 ước đạt 2.321 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng ước thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 52.408 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 3.684 tỷ đồng.
Nợ thuế liên tục tăng cao ngay thời điểm cuối năm khiến ngành thuế phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ. Ảnh: Vneconomy |
Trước tình hình trên, cơ quan thuế đã và đang triển khai nhiều biện pháp mạnh để thu hồi nợ. Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.
Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi nợ, Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn 4216, yêu cầu các cục thuế phải chủ động thông báo đến người nộp thuế về tình trạng nợ qua các kênh điện tử như eTax, email hoặc ứng dụng eTax Mobile. Đối với những trường hợp nợ quá 60 ngày, công chức thuế sẽ trực tiếp liên hệ để nhắc nhở và thông báo về các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng nếu tình hình không được cải thiện.
Đối với các khoản nợ quá 90 ngày hoặc thuộc diện cưỡng chế, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định và công khai thông tin để tạo sức ép lên người nợ.
Việc nợ thuế gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng của dịch bệnh, hoặc một số đối tượng cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý thuế, cơ quan chức năng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về nghĩa vụ nộp thuế, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển.
Quy định về tạm hoãn xuất cảnh ngày càng mở rộng
Thời gian gần đây, thông tin về việc các Tổng giám đốc doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì công ty nợ thuế xuất hiện ngày càng nhiều, gây xôn xao dư luận. Đáng chú ý, trong số đó có không ít doanh nghiệp có tên tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sau khi bị nêu tên đã nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và được gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh.
Hiện nay quy định về tạm hoãn xuất cảnh ngày càng mở rộng. Trước đây theo Luật Quản lý thuế năm 2006, chỉ có ba trường hợp thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh là: người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy nhiên đến Nghị định số 126 của Chính phủ ban hành ngày 19/12/2020 (hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38) thì đã mở rộng thêm trường hợp "cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế" bên cạnh ba trường hợp trên.
Nhiều cá nhân sau khi cài đặt ứng dụng eTax Mobile mới phát hiện mình bị phát sinh những khoản nợ thuế từ vài năm trước. Có người nợ vài trăm ngàn, nhưng cũng có trường hợp nợ hàng chục triệu đồng. Vậy những trường hợp này có nguy cơ bị tạm hoãn xuất cảnh hay không?
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật châu Á (Asialaw) nêu ý kiến "Nợ thuế là hành vi người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước khi đã hết thời hạn theo quy định của pháp luật."
"Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC, một số trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế thuế bao gồm: Người nộp thuế chậm nộp thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, gia hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật; Người nộp thuế nợ tiền thuế, chậm nộp thuế và có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản; Người nộp thuế có hành vi không chấp hành quyết định xử phạt hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt", Luật sư Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 36 Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định một trong số các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là: Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Theo Luật sư Sơn "Như vậy, trường hợp người nợ thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh".
Việc mở rộng quy định về tạm hoãn xuất cảnh nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý thuế, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đồng thời, biện pháp này cũng tạo ra sức ép nhất định đối với những người đứng đầu doanh nghiệp, thúc đẩy họ nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc siết chặt quản lý thuế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, việc bị tạm hoãn xuất cảnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cá nhân nợ thuế chỉ bị tạm hoãn xuất cảnh khi bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, như vậy trước hết phải có quyết định hành chính về quản lý thuế. Nếu đã có quyết định về số nợ thuế TNCN phải nộp nhưng không nộp quá 90 ngày thì mới bị cưỡng chế. Do vậy nếu khoản nợ thuế quá 90 ngày cơ quan thuế hoàn toàn có thể yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh. "Dù theo quy định, khi ban hành quyết định này gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cơ quan thuế cũng phải tống đạt đến người đang có nợ thuế. Tuy nhiên thời gian qua nhiều người không nhận được quyết định này và chỉ phát hiện ra khi bị chặn xuất cảnh. Lý do mà ngành thuế nêu ra là không liên lạc được với người nộp thuế, hay công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký… |