Ngành cao su có hi vọng ‘thoát’ tăng trưởng âm trong những tháng cuối năm
Hàn Quốc giảm mua cao su từ thị trường Việt Nam Xuất khẩu cao su 8 tháng năm 2023 thu về 1,59 tỷ USD |
Giá cao su tăng lên mức cao nhất trong gần một năm và có thể cao hơn nữa
Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cao su thế giới trên Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo tính đến hết ngày 6/9 đạt 1556,4 USD/tấn, tăng gần 20% so với thời điểm giá thấp nhất vào ngày 16/8. Giá cao su đang giao dịch cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023.
Chính sách kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, cường quốc về tiêu thụ cao su, đang tạo lực đẩy lên tiêu thụ và giá cao su thế giới. Đây cũng được coi là cơ hội để ngành cao su Việt Nam kéo giá trị xuất khẩu lên khỏi mức âm trong những tháng cuối năm.
Diễn biến giá cao su từ đầu năm đến nay |
Có nhiều lý do cho việc tăng giá đột biến này. Trong đó có nguyên nhân lớn đến từ việc Trung Quốc tích cực triển khai các gói chính sách kích thích kinh tế hậu Covid-19, đặc biệt với ngành công nghiệp ô tô. Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trở thành những tập đoàn, công ty lớn trong ngành công nghiệp toàn cầu. Chính vì thế, trong kế hoạch dài hơi, Trung Quốc sẽ nhập khẩu mạnh nguyên liệu cao su cho sản xuất ô tô. Và hiện nay nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định, “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Thêm vào đó là sản lượng từ các nguồn cung ổn định. Giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700 - 1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng.”
Cơ hội kéo xuất khẩu cao su từ tăng trưởng âm
Trở lại ngành cao su Việt Nam. Kể từ quý II/2023 xuất khẩu cao su có sự cải thiện so với quý I đầu năm, nhưng xuất khẩu và kim ngạch vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Ba tháng đầu năm, cả khối lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng cao su đều giảm. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý I, Việt Nam xuất khẩu 381.913 tấn sản phẩm cao su, thấp hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Bước sang quý II, giá cao su sụt giảm so với quý trước, đạt khoảng 1.355 USD/tấn so với mức 1.393 USD của quý I. Đây là là yếu tố chính dẫn đến kim ngạch thấp cho dù hoạt động xuất khẩu đã từng bước cải thiện.
Tính lũy kế đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu 1,46 triệu tấn cao su, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cao su trong thời gian này sụt giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam |
Trong bối cảnh xuất khẩu cao su của Việt Nam đang rơi xuống mức âm thì tín hiệu lạc quan ở thị trường nhập khẩu khổng lồ “hàng xóm” Trung Quốc lại nhen nhóm hy vọng của các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam.
Việc đẩy mạnh nhập khẩu của Trung Quốc đã kéo giá cao su thế giới lên đột biến trong thời gian gần đây. Điều này làm tăng khả năng “hâm nóng” thêm cho thị trường cao su Việt Nam. Lý do bởi Trung Quốc là “bạn hàng” xuất cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 99,82% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su tính đến hết tháng 7/2023.
Cũng theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD để nhập 757.600 tấn cao su của Việt Nam, tăng 12% về lượng, nhưng giảm hơn 10% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và kéo tăng trưởng kim ngạch lên khỏi mức âm trong những tháng cuối năm.
Ngành cao su nắm bắt cơ hội để chuyển mình
Về dài hạn, với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, Việt Nam luôn là 1 trong 3 thị trường cung cấp cao su và các sản phẩm từ cao su lớn nhất cho Trung Quốc.
Theo thống kê từ Trade Map, giá cao su xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 ở mức 1.267 USD/tấn, thấp nhất trong 5 quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu sang Trung Quốc.
Trong năm 2022, Việt Nam chiếm 13,1% lượng cao su và các sản phẩm từ cao su nhập khẩu vào Trung Quốc, là nhà cung cấp lớn thứ hai, chỉ đứng sau Thái Lan với 28,3%. Riêng với mặt hàng cao su tự nhiên, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 4 chiếm 10,2% thị phần.
Bên cạnh đó, sự tương thích trong cung – cầu cao su giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là yếu tố quan trong giúp gia tăng hoạt động xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu cao su của nước ta trong thời gian tới.
Cụ thể, cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là hai dòng sản phẩm cao su chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc với 28,2% và 63,3% trong tổng số cao su nhập. Trùng hợp, đây cũng chính là hai loại cao su xuất khẩu chính của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 27,6% và 53,9%.
5 thị trường nhập khẩu cao su chính của Trung Quốc (2022) |
“Trước những lợi thế về giá và nhu cầu rõ ràng như hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam cần có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cao su từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ cải thiện cả về lượng và giá trị”. Ông Quang Anh nhấn mạnh.