Nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Xúc tiến thương mại với Panama để hàng hoá Việt Nam vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu |
Hội thảo hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ 11 (CIECI 2023) với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững” diễn ra ngày 24/11/2023 tại Hà Nội.
Hội thảo là kết quả phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) , Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam); Trường Đại học Adelaide, Úc; Trường Đại học Salento, Ý; Trường Đại học Rangsit; Thái Lan, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học Sofia, Bulgari và Trường Đại học Saint-Louis – Bruxelles, Bỉ.
Quang cảnh Hội thảo |
Theo các chuyên gia, hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu, chuyển giao công nghệ và tăng trưởng.
Trong khi các quốc gia phát triển thường chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị toàn cầu thì các quốc gia đang phát triển với lợi thế so sánh về chi phí lao động thấp có xu hướng hoạt động trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp. Hội nhập càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với những thách thức dài hạn và dai dẳng do dễ bị ảnh hưởng bới các yếu tố bên ngoài.
PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế phát biểu |
Trong phiên thảo luận chính, bài tham luận “Liên minh chiến lược, hội nhập khu vực và RCEP: Hàm ý đối với Đông Á và ASEAN” của GS. Shandre Thangavelu – Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Thương mại quốc tế, Trường Đại học Adelaide, Úc nêu nhận định, trong thập kỷ qua khu vực Đông Á và Nam Á đã phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa với mức độ ngày càng gia tăng trong thương mại khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó những bất ổn gần đây như đại dịch Covid – 19; chiến tranh thương mại Mỹ-Trung; chiến tranh quân sự Nga-Ukraine; áp lực lạm phát; đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu; suy thoái kinh tế khu vực và trên thế giới sẽ dẫn đến những chính sách hướng nội hơn, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng phân mảnh trong các thỏa thuận thương mại.
Những thách thức này dẫn đến nhu cầu về cơ chế thương mại mới, sự thống nhất giữa các chính sách ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Ngoài ra, các quốc gia cần thống nhất các thỏa thuận thương mại nhằm giảm sự chồng chéo trong chính sách, cắt giảm chi phí giao dịch thương mại và hạn chế sự phân mảnh thương mại toàn cầu và khu vực. Bài tham luận “Trường đại học và chuỗi giá trị toàn cầu” của GS. Fabio Pollice, Hiệu trưởng Đại học Salento, Lecce, Ý, nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường đại học trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đẩy mạnh việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở cấp độ quốc gia.
Các chuyên gia dự Hội thảo |
Tai các phiên thảo luận chuyên đề, nhận định của các chuyên gia cho thấy trong khoảng thời gian gần đây một số chuỗi giá trị toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Do vậy, các diễn giả không chỉ tập trung vào thực tiễn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà còn chỉ ra những thách thức, rủi ro phát sinh trong quá trình này. Những hàm ý chính sách cho chính phủ, các chiến lược quản trị ở doanh nghiệp được các tác giả đưa ra nhằm đảm bảo sự phục hổi và tính bền vững khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội thảo CIECI 2023 được xem như cơ hội kết nối và cập nhật với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp trong việc bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.