Làng đá Non Nước nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn là làng nghề truyền thống nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng với các sản phẩm đá mỹ nghệ, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Theo dòng chảy thời gian, làng đá mỹ nghệ Non Nước vẹn nguyên một sức sống mãnh liệt với thời gian và không ngừng phát triển cho đến ngày nay.
|
Bảo tàng góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa độc đáo của Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. |
|
Không gian trưng bày độc đáo tại Bảo tàng. |
Nhằm lưu giữ những giá trị của Làng nghề thủ công truyền thống có bề dày hơn 400 năm lịch sử này, Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn rộng hơn 2000m2 đã ra đời, toạ lạc dưới chân núi Thủy Sơn (đường Trường Sa, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn), được UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập.
Ông Lê Văn Hòa (45 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, với hơn 10 năm ấp ủ ý tưởng sưu tầm và lưu giữ các hiện vật quan trọng của làng nghề truyền thống quê hương nơi ông sinh ra và lớn lên, ông và các cộng sự đã tìm kiếm những tư liệu, sản phẩm chế tác đá của ngày xưa để góp nhặt và kể lại câu chuyện thăng trầm của làng nghề hơn 400 năm tuổi.
|
Ông Lê Văn Hòa (bên trái) chia sẻ câu chuyện về lịch sử, văn hóa của làng đá Non Nước. |
"Qua thời gian phương thức chế tác cũ với các phương pháp điêu khắc thủ công dường như đã đi vào quên lãng. Và đó chính là trăn trở thôi thúc tôi thành lập một bảo tàng lưu giữ ký ức của nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Thông qua bảo tàng, tôi mong muốn góp phần làm cho cộng đồng nhận thức được những giá trị di sản của làng nghề, để nâng niu gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ”, ông Hòa chia sẻ.
Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn là không gian kép, bên trong rộng hơn 700m2, lưu giữ hàng trăm di vật, dụng cụ cho những phương thức chế tác thủ công và các di vật sản phẩm có giá trị về nhiều mặt.
|
Khu vực trưng bày những dụng cụ thô sơ về nghề đá. |
Trong không gian rộng hơn 700 m2 ấy, Bảo tàng trưng bày và giới thiệu những dụng cụ chế tác thô sơ như mũi xó, mũi bạt, mũi ve, mũi ngô, hay búa, dùi cui được trưng bày, cùng những sản phẩm đá mỹ nghệ theo chiều dài thời gian, sẽ giúp khách tham quan mường tượng ngay được bức tranh toàn cảnh về làng nghề. Đây chính là những di vật đã để lại những dấu ấn đậm nét về văn hóa, tinh thần của đời sống con người vào những thế kỷ trước.
|
Các sản phẩm điêu khắc đá được trưng bày với đầy đủ thông tin về tên tác phẩm; chất liệu, niên đại, nghệ nhân chế tác. |
Thông qua bảo tàng, các câu chuyện về nghề thủ công truyền thống và làng nghề dễ dàng được diễn giải, minh họa. Ðây vừa là hình thức góp phần bảo tồn một loại hình di sản văn hóa, vừa gián tiếp hỗ trợ làng nghề trong quảng bá sản phẩm tới khách du lịch khi tham quan bảo tàng.
|
Tác phẩm "Tiên cưỡi hạc" của nghệ nhân Huỳnh Chín với chất liệu đá Agalmatolit; niên đại Thế kỷ XX. |
Là người trẻ yêu văn hóa, lịch sử, Nguyễn Mỹ Linh (24 tuổi, trú quận Liên Chiểu) chia sẻ rất hào hứng khi nghe tin Bảo tàng mở cửa đón khách: "Thông qua bảo tàng, mình đã hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của làng đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn", Mỹ Linh chia sẻ.
|
Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày những sản phẩm điêu khắc đá quý với đầy đủ chứng từ của các nghệ nhân tại làng nghề. |
|
Bảo tàng góp phần lan tỏa giá trị làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước. |