Kỳ vọng sau cái "bắt tay" của hai ông lớn SCIC và VinaCapital
Mới đây, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC đã có buổi làm việc với Tập đoàn VinaCapital.
Thông tin đáng chú ý tại buổi làm việc được đưa ra là, lãnh đạo SCIC đã đề nghị Tập đoàn VinaCapital xem xét một số đề xuất nghiên cứu tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong danh mục thoái vốn của SCIC; thành lập Quỹ đầu tư chung cùng đầu tư vào các dự án phù hợp tiêu chí của các bên.
Tại buổi làm việc, ông Andy Ho - Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital nhấn mạnh những nội dung đề nghị hợp tác giữa SCIC với Tập đoàn VinaCapital là hết sức thiết thực. Bên cạnh đó, với thế mạnh về thị trường đa dạng và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, VinaCapital cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin, tìm hiểu khả năng hợp tác thành lập quỹ đầu tư chung trong thời gian tới.
Cơ hội SCIC và VinaCapital thành lập Quỹ đầu tư chung |
Hồi đầu năm nay, SCIC đã công bố danh sách thoái vốn đợt 1/2023 gồm có 73 doanh nghiệp. Trong đó có một số doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và UPCoM đáng chú ý.
Cụ thể như: Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã BMP-HOSE), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Công ty CP - Seaprodex (mã SEA-UPCoM), Tổng Công ty LICOGI - Công ty CP (mã LIC-UPCoM), Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC-HOSE), Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND-UPCoM), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP-UPCoM).
Ngoài ra, SCIC đã thoái vốn thành công tại 4 doanh nghiệp. Trong đó, 29% vốn tại Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, 53% vốn tại Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp II Quảng Bình, 65% vốn tại Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp Quảng Bình và 51% vốn tại Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa số 9.
Về cơ hội thành lập Quỹ đầu tư chung, thực tế theo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phê duyệt nêu rõ, sau năm 2025 SCIC sẽ chuyển đổi hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư.
Chiến lược đưa ra mục tiêu hoạt động cụ thể từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn đến 2025: Đối với hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục cơ cấu lại vốn tại các doanh nghiệp này thông qua hoạt động đầu tư, nắm giữ, thoái vốn, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu...; tiếp nhận doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để hỗ trợ phục hồi, cơ cấu lại vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, SCIC thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ: Đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và SCIC có lợi thế theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo toàn và phát triển vốn, không giới hạn lĩnh vực đầu tư.
Đồng thời, đầu tư kinh doanh vốn theo nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, tập trung những ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ, hoặc tham gia để hỗ trợ xử lý khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do khủng hoảng tài chính hoặc các nguyên nhân bất khả kháng.
Giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, trong đó tập trung đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, các dự án lớn, quan trọng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn: Đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất dẫn dắt, mở đường.
Giai đoạn 2031 - 2035: SCIC hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, là công cụ, kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế.