Khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp chủ lực
Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp Kỹ sư Lê Quốc Thưởng: Bản lĩnh người thợ trẻ trong ngành công nghiệp khí |
Sản xuất một số sản phẩm chủ lực tăng cao
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%.
Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; sơn hóa học và sữa tươi cùng tăng 6%.
Khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp chủ lực. Ảnh: Cấn Dũng |
Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam khởi sắc được đánh giá là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu tăng kéo theo sự cải thiện của các ngành sản xuất.
Với dệt may, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, 2 tháng qua, sản xuất và xuất khẩu dệt may đã khá lên, kim ngạch tháng 6 đạt 3 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ; sang tháng 7 kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 4 tỷ USD, mức giảm thấp hơn còn 14,7%.
Tháng 7/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất được 633.000 tấn thép thô, tăng 22% so với tháng 6. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 555.000 tấn, tăng 3% so với tháng trước.
Tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn
Dù sản xuất công nghiệp dự báo sẽ dần khởi sắc về cuối năm do các ngành hàng xuất khẩu bắt đầu bước vào mùa. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành, mức phục hồi sẽ chậm.
Ngoài yếu tố thị trường, một số hạn chế trong nội tại đang là thách thức với doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Cụ thể, khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Bản thân các doanh nghiệp hiện đang xoay xở mọi cách để duy trì sản xuất và “sống” được trong bối cảnh thị trường khắc nghiệt. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẵn sàng triển khai đơn hàng ở nhiều thị trường, kể cả nhỏ lẻ. Cùng đó, linh hoạt, tái cấu trúc nhân lực, áp dụng quản trị số để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhanh nhất…
Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát đang tập trung nghiên cứu nhiều mác thép mới, kỹ thuật khó, chất lượng cao, phục vụ công nghiệp cơ khí, chế tạo. Ngoài ra, sản xuất những chủng loại đặc thù khác như thép làm vỏ container, góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái sản phẩm.
Sự nỗ lực của doanh nghiệp sẽ là rất vất vả, thậm chí khó đạt kết quả nếu không có sự đồng hành gỡ khó của các cơ quan chức năng. Và vốn luôn là đề xuất hỗ trợ hàng đầu của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, hiện Chính phủ đã tung ra rất nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, theo tính toán sơ bộ các gói miễn giảm thuế, phí có quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng trong năm nay. Doanh nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận nguồn lực này.
Có một thực tế, việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khó khăn bởi tỷ suất lợi nhuận kém hấp dẫn, nhiều rủi ro. Theo đó, cần có nguồn lực mới để thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc phát triển công nghiệp.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, việc lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển.
Song song với đó, cần phát triển hệ thống cụm liên kết ngành, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm, dưới sự dẫn dắt của một số tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Việt Nam có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó là về dài hạn, trước mắt, cần tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
Cùng với đó, thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường ngách, thị trường chưa khai thác hết tiềm năng cho xuất khẩu, từ đó giúp sản xuất trong nước dần ổn định, phục hồi.