Khách Trung Quốc trở lại Việt Nam: Cơ hội cho ngành du lịch phục hồi
Ngành du lịch: Nhiều cơ hội để kỳ vọng trong năm mới 2023 Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch |
Ngay trong ngày đầu tiên Trung Quốc mở cửa cho phép doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc tổ chức tour sang Việt Nam ngày 15/3, doanh nghiệp (DN) du lịch Việt Nam đã đón được những đoàn quy mô lớn.
Tín hiệu vui từ thị trường Trung Quốc
Tại Hội nghị du lịch toàn quốc năm 2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thông tin, ngày 15/3, tỉnh Quảng Ninh đón đoàn 150 du khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Lạng Sơn đón đoàn 124 du khách Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị.
Đoàn du khách Trung Quốc tham quan Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Đại diện Công ty Du lịch Phương Nam (đơn vị đón đoàn khách tại Lạng Sơn) Nguyễn Thu Hoài cho biết, sau khi đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, đoàn sẽ có 4 ngày trải nghiệm ở Hà Nội, Hạ Long.
Tương tự, Giám đốc Công ty BT Tour Lê Hồng Tú chia sẻ, ngày 16/3, công ty đón đoàn 16 khách Trung Quốc từ Thượng Hải đến TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không. Đoàn khách sẽ ở Việt Nam 8 ngày, tham quan, trải nghiệm nhiều dịch vụ tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận) và TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Công ty CP Lữ hành quốc tế Toàn Cầu Việt Nam cũng thông tin, đơn vị sẽ đón 46 khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch vào ngày 19/3.
Ngoài ra, Công ty CP lữ hành quốc tế Kim Liên, Công ty lữ hành Hanoitourist cũng cho biết sẽ có các đoàn khách Trung Quốc trong tháng 3.
Để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, hiện các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch tăng số chuyến bay thuê chuyến (charter), bay thẳng từ Trung Quốc đến các điểm đến của Việt Nam.
Không chịu thua kém, hãng hàng không Vietravel Airlines phối hợp với Công ty Du lịch Vietravel và một số đối tác để thực hiện các chuyến bay charter từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, trong đó sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số TP lớn của Trung Quốc với TP du lịch biển Nha Trang (Khánh Hòa).
Phân tích về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc có chung biên giới đường bộ, đường biển; việc kết nối hàng không, đường bộ, đường biển thuận lợi là những điều kiện cho hợp tác phát triển du lịch trao đổi khách giữa hai nước.
Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, năm 2019 đạt mức tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, đồng thời Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn của Trung Quốc.
“Thị trường du lịch Trung Quốc “đóng băng” là nguyên nhân quan trong khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng, việc thị trường này đưa khách trở lại Việt Nam là cơ hội vàng cho DN du lịch hồi phục ” - ông Siêu phân tích.
Doanh nghiệp sẵn sàng đón khách
Để đón luồng khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch, các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng tour du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành đón khách Trung Quốc tỉnh Khánh Hòa Đào Trọng Tùng thông tin, hiện 21 DN lữ hành thuộc hiệp hội đều đã có các kế hoạch, chương trình để thu hút khách Trung Quốc tại 1.150 cơ sở lưu trú với hơn 55.000 phòng trên địa bàn.
Dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty TST tourist Lại Minh Duy cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng nhiều sản phẩm tour tuyến, dịch vụ chất lượng cao để đón khách Trung Quốc đi theo đường hàng không tới những điểm đến ở cả 3 miền của Việt Nam.
“Dòng khách được DN tập trung khai thác là khách đi tour trung, cao cấp, chi tiêu cao và sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ, sản phẩm chất lượng” - ông Duy thông tin.
Phó Tổng Giám đốc Công ty PC du lịch & Dịch vụ Hòn Gai Đỗ Xuân Nguyên cho biết, DN đã sẵn sàng lực lượng nhân sự và có kế hoạch đón nguồn khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thông qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Bên cạnh việc duy trì những tour truyền thống đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long, đơn vị cũng xây dựng một số sản phẩm mới, chất lượng cao như tour đưa du khách Trung Quốc tham quan Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng…
Ngoài ra, đơn vị dự kiến kết hợp với các hãng lữ hành Trung Quốc tổ chức các đoàn charter (bay nguyên chuyến) qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Chia sẻ về kế hoạch thu hút khách du lịch Trung Quốc, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, ngành du lịch Quảng Ninh bên cạnh việc tổ chức các hoạt động kích cầu đã xây dựng 24 sản phẩm du lịch mới bao gồm sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, du lịch đêm, du lịch sinh thái, nông nghiệp, thể thao mạo hiểm.
Cùng chung tâm trạng với DN lữ hành, với khối khách sạn, việc khách Trung Quốc bắt đầu đến Việt Nam du lịch cũng là tin vui sẽ hồi phục kinh doanh, nên các khách sạn đang đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất
. Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Hồ Nguyên Phương cho biết, hiện các khách sạn tại các điểm du lịch Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng đã được sửa chữa, nâng cấp, thay thế cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng. “Hiện cơ sở vật chất hệ thống khách sạn đã sẵn sàng để không bị động trước cơ hội đón các đoàn du khách Trung Quốc quy mô lớn” - bà Phương khẳng định.
Nâng cấp chất lượng dịch vụ
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc bắt đầu đưa du khách đến Việt Nam không chỉ là tin vui với ngành du lịch mà sẽ còn nhiều ngành liên quan khác được như vận tải, ăn uống và vui chơi giải trí hưởng lợi. Tuy nhiên, muốn hút được luồng khách này, các DN cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Phạm Trung Lương phân tích, nếu DN chỉ có vài dịch vụ, sản phẩm thì tất yếu khách hàng chỉ đến một lần, nhưng có 100 sản phẩm chắc chắn họ phải quay lại. Để đón cơ hội, nhất thiết phải phục vụ ra phục vụ, thu ra thu, Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ” - ông Lương nói.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Từ Quý Thành cho biết, khách Trung Quốc có đặc thù là thích du lịch ở những điểm nghỉ dưỡng có phong cảnh đẹp và ăn hải sản… Việt Nam.
Tuy nhiên, sau dịch, nhu cầu của du khách có sự thay đổi như không đi đoàn lớn nên các DN cần quan tâm để điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp. “DN cần có sự đánh giá những việc trước kia chưa làm tốt thì dịp này cải tiến, nâng cấp để thị trường bền vững, hiệu quả hơn. Nên tránh chạy theo số lượng với các tour giá rẻ, giá nào cũng làm” - ông Thành phân tích.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, nên nghĩ cách làm để du khách Trung Quốc tiêu tiền nhiều hơn. Để làm được điều này đòi hỏi DN du lịch có những sản phẩm để du khách mạnh tay chi tiêu khi du lịch Việt Nam. Phải để cho du khách trở về nhà “rỗng túi”, tức là mang bao nhiêu tiền đến Việt Nam thì họ phải tiêu hết.
Để khai thác thị trường du lịch Trung Quốc hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong khi các chuyến bay thẳng còn hạn chế, các DN cần tăng cường quảng bá, xúc tiến với các đối tác để có lộ trình đưa khách. Các điểm đến cần xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc sau dịch Covid-19.
“Các địa phương, đơn vị cần có chiến lược đầu tư, thu hút dòng khách Trung Quốc cao cấp đến Việt Nam, đẩy mạnh du lịch đường biển để có thể hấp dẫn được dòng khách này” - ông Bình đề xuất.
Phân tích của các chuyên gia, DN du lịch cho thấy muốn hút khách Trung Quốc đòi hỏi DN nâng cấp chất lượng sản phẩm, đa dạng tour du lịch, đáp ứng được yêu cầu nhiều phân khúc khác nhau.
Giải pháp quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh du lịch Việt Nam một cách thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, cần kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các TP lớn trước đây là trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam. Ngoài ra, ngành du lịch cần kết nối với các địa phương, DN đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh |