Kết nối công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất
Cải thiện năng lực cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam |
Kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trong nước, cùng với đó là đảm bảo thành công hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản. Ảnh: Q.Khánh |
Một hội thảo thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao vừa được tổ chức tại TP Kobe, Nhật Bản, do Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) và tập đoàn N&G phối hợp tổ chức, theo VTV.
Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu Nam Hà Nội được thành lập đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Ngay sau khi thành lập, nhóm các doanh nghiệp vùng Kobe, Nhật Bản đã đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất linh kiện công nghệ cao tại đây, điển hình là chuỗi tổ hợp nhà máy sản xuất linh kiện hàng không, vũ trụ, robot.
"Công ty của chúng tôi đã đến thăm các công ty của Việt Nam, để hiểu được các công ty của Việt Nam làm việc như thế nào và cần điều gì. Từ đó, chúng tôi cũng biết được làm thế nào để phát triển các công ty ở Việt Nam" - ông Jon Lilja, Giám đốc cấp cao Bộ phận kinh doanh chuỗi cung ứng châu Á, cho biết.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phụ trợ của Việt Nam phát triển sản xuất. Như với dự án hợp tác này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ sản xuất được những linh kiện công nghệ cao như linh kiện cho máy bay" - ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Onaga, Nhật Bản, cho hay.
Để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản, các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã thành lập một đơn vị hỗ trợ hoạt động phi lợi nhuận. Đơn vị này sẽ cùng các doanh nghiệp Nhật Bản giải quyết các thủ tục, giấy phép đầu tư, xây dựng, bên cạnh đó là hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
"Để cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định ở Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần phải phát triển, đó là điều kiện hết sức quan trọng và then chốt" - ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, nhận định.
Giai đoạn tiếp theo, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sẽ cùng các đối tác thực hiện hợp tác chuyển giao, tư vấn công nghệ, quản trị, cung ứng linh kiện đến các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, hướng tới nâng tầm doanh nghiệp của khu vực Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thị trường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có giá trị hàng trăm tỉ USD, kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trong nước, cùng với đó là đảm bảo thành công hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.