Hà Giang - Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ lên thăm
Ngày 20/8/1891, tỉnh Hà Giang được thành lập. Giai đoạn 1891-1930, người dân Hà Giang chịu sự khai thác và bóc lột của thực dân Pháp. Không những đặt Hà Giang vào chế độ quân quản, thực dân Pháp còn duy trì và củng cố quan hệ bóc lột phong kiến sẵn có. Đây là giai đoạn, nhiều dân tộc trong tỉnh không có người biết chữ, tỷ lệ mù chữ chiếm trên 95% dân số. Đói rét, bệnh tật, cờ bạc, rượu chè và nạn nghiện hút cùng các hủ tục “phủ bóng đen” lên các làng bản của đồng bào các dân tộc Hà Giang.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm |
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc Hà Giang được tiếp thêm sức mạnh. Ngày 25/12/1945, Đảng bộ tỉnh Hà Giang được thành lập, từng bước lãnh đạo nhân dân các dân tộc giải quyết tận gốc nạn thổ phỉ, phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Giai đoạn 1976-1991, hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, nhân dân các dân tộc Hà Tuyên tiếp tục đoàn kết một lòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giành được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế.
Năm 1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 1/10/1991, tỉnh Hà Giang chính thức được tái thành lập.
Hoạt cảnh Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang khi Người lên thăm năm 1961 trong Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hà Giang 130 năm hành trình cùng đất nước” |
Với tinh thần “khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Giai đoạn 2015 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm; 100% dân số đô thị, 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 42%; tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%. Chương trình xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm sáng tạo. Văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; công tác giảm nghèo thu nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2021 còn 18,54%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền được nâng lên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Có được những kết quả đáng khích lệ này, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định: Hơn 60 năm qua, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Giang năm 1961 đã trở thành chân lý, có giá trị vĩnh cửu cho các thế hệ đồng bào các dân tộc toàn tỉnh. Toàn bộ di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa, thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó là tài sản tinh thần to lớn và quý giá; đã, đang và sẽ luôn soi rọi, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang trên con đường đi tới thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các đặc sản của tỉnh Hà Giang |
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự phát triển, đổi thay tích cực của Hà Giang. Theo Chủ tịch nước, để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đặt ra, đó là “xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế-xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế-xã hội trung bình khá của cả nước”… Hà Giang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng thời cơ cũng rất nhiều.
Cụ thể, Chủ tịch nước cho rằng, với một tỉnh có điều kiện đặc thù như Hà Giang thì chính sách xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, tỉnh cần phải có những chính sách an sinh, thực hiện chính sách giảm nghèo, tăng cường đầu tư cho giáo dục, chăm sóc y tế, cung cấp phúc lợi cho người dân thật tốt. “Cần thiết kế những chính sách đặc thù, vừa mang tính trợ cấp, vừa hỗ trợ, vừa nâng đỡ, thúc đẩy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên của người dân”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trên cơ sở phát huy các tiềm năng và lợi thế riêng có, Hà Giang cần tiếp tục tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng kinh tế mới. Lựa chọn hỗ trợ đầu tư có trọng tâm đối với một số ngành có lợi thế, nhất là du lịch, sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và dược liệu gắn với chế biến sâu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Triển khai thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Phấn đấu làm sao để đồng bào dân tộc ở Hà Giang không chỉ “sống trên đá, thoát nghèo trên đá” mà còn tiến tới “làm giàu trên đá”.