Giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021
Dư địa tăng trưởng vẫn còn
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc, khi các tổ chức quốc tế đã liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2021 vào khoảng 5,6-6%, là tốc độ phục hồi sau khủng hoảng cao nhất trong 80 năm qua.
Còn tại Việt Nam, dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý II/2021 đạt 6,61%, và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, đều thấp hơn mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP. Đòi hỏi việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội là 6% và Chính phủ là 6,5% trong cả năm là vô cùng khó khăn.
Đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cũng thừa nhận, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, 6 tháng còn lại Việt Nam phải đạt tăng trưởng GDP 7,2%, đây là một thách thức vô cùng lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan, cơ hội và dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn. Nhất là khi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua, tạo khí thế mới, động lực mới cho tăng trưởng năm 2021. Bên cạnh đó, các đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, khu vực dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật lớn trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ có vắc-xin, cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, một số chỉ số như CPI (chỉ số giá tiêu dùng), thất nghiệp cho thấy còn dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ.
2 kịch bản tăng trưởng
Bên cạnh giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP, dựa vào tình hình tăng trưởng 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2021. Trong đó, kịch bản 1, trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, thì phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6%. Để đạt mục tiêu này, tăng trưởng GDP quý III cần đạt 6,2%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm, quý IV tăng 6,5%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm.
Kịch bản 2, trong trường hợp dịch Covid-19 ở trong nước cơ bản được khống chế vào tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,5%. Trong đó, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5%, cao hơn Nghị quyết 01 là 0,8 điểm phần trăm.
Theo đó, kế hoạch sắp tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Quốc Phương là vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2021 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 và các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.