Gian nan chống đường cát nhập lậu
Cây mía “sống mòn” vì đường cát nhập lậu |
Gia tăng buôn lậu đường cát
Giữa tháng 8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và kiểm tra 02 ô tô tải đang vận chuyển toàn bộ 79 tấn đường cát, loại đường được đóng bao loại 50 kg/bao, trên bao bì có in chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đã cung cấp một số hóa đơn, chứng từ kèm theo. Tuy nhiên qua kiểm tra, đối chiếu các thông tin hóa đơn, chứng từ được cung cấp không phù hợp với hàng hóa thực tế. Hiện Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Quản lý thị trường Phú Yên tạm giữ 79 tấn đường cát do nước ngoài sản xuất đang trên đường vận chuyển tiêu thụ |
Trên thực tế, không chỉ tại Phú Yên, ở rất nhiều địa phương khác, tình trạng nhập lậu đường cát cũng đang là vấn đề nóng. Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường Long An, 5 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Long An đã phát hiện, bắt giữ 4 trường hợp vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu, tạm giữ 20.500 kg đường cát. Đã xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 170 triệu đồng, xử lý tịch thu 13.000 kg đường cát. Cuối tháng 5 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường Long An đã ngăn chặn 2 xe ô tô tải vận chuyển trên 150 bao đường cát với tổng trọng lượng 7,5 tấn do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số đường cát trên có nhãn bằng tiếng nước ngoài và người điều khiển phương tiện không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến toàn bộ số lượng đường cát này.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ nhiều năm nay, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường cát ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Quá trình vận chuyển đối tượng thuê người canh đường, cảnh giới rất chặt chẽ. Bên cạnh những sự vụ buôn lậu đường với số lượng "khủng" mà lực lượng đã phát hiện thì thủ đoạn điển hình là chia nhỏ khối lượng, đóng bao đường nhập lậu giả mạo là đường Việt Nam từ bên kia biên giới rồi sử dụng giấy tờ hợp pháp tuồn sâu vào nội địa; xóa hết các thông tin trên bao bì đựng đường để cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc xuất xứ…
Chặn đường lậu ngay từ "cửa ngõ"
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), từ tháng 12/2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam khi biên giới được nới lỏng sau khi Covid-19 được kiểm soát. Nguồn gốc của đường nhập lậu là từ Thái Lan, loại đường này cũng xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch.
Trước tình trạng đường nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến, quy mô lớn, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn để kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển đường cát nhập lậu. Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận trương mại trên các lĩnh vực quản lý; đặc biệt là công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh, trong đó đề xuất việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng mía đường. Thời gian tới, cơ quan hải quan địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra đối với mặt hàng đường mía, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu; thiết lập tiêu chí rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp; kiểm tra sau thông quan,… theo đúng chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.
Mới đây, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các địa phương xác định rõ các đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung theo dõi, phát hiện đấu tranh. Đặc biệt kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc vi phạm, không để kéo dài hoặc hình thành đường dây, ổ nhóm phức tạp.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề xuất các cơ chế kiểm tra giám sát cả ở cấp trung ương và địa phương cần quyết liệt hơn, bao gồm cả việc xử phạt nghiêm minh đối với các hình thức vi phạm, kể cả đối với cán bộ quản lý.